Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp để bảo đảm sự tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp để bảo đảm sự tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 89,23% số phiếu tán thành. Theo đó, nội dung của Luật quy định giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo

Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo luật, Quốc hội đã nghe nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về số lượng đại biểu HĐND, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp từ 10-15% để bảo đảm sự tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định số lượng đại biểu HĐND trong dự thảo Luật chưa phù hợp với một số tỉnh có đông dân cư, diện tích tự nhiên lớn, đề nghị giữ số lượng đại biểu HĐND như Luật hiện hành đối với những tỉnh này.

Nguyên Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến nêu trên của đại biểu Quốc hội là rất xác đáng. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, Chính phủ chỉ đề nghị giảm số lượng đại biểu HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính để thực hiện chủ trương chung của Đảng, tiến tới tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; còn cách xác định số lượng đại biểu và thẩm quyền quyết định số lượng đại biểu HĐND cụ thể thì vẫn như quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Hơn nữa, bản thân Luật hiện hành khi quy định về số lượng đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính cũng đã tính đến đặc thù của những địa phương có dân cư đông, diện tích lớn. Vì vậy, theo quy định của dự thảo Luật, các tỉnh, thành phố lớn, đông dân như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh vẫn sẽ có số lượng đại biểu HĐND cao hơn các tỉnh, thành phố khác. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định về việc giảm 10 - 15% số đại biểu HĐND các cấp như dự thảo Luật.

Theo đó, số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã chính thức giảm từ nhiệm kỳ 2021 - 2026 như sau:

Đối với Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định thành phố trực thuộc trung ương có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì có không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu); Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh có 95 đại biểu (trước là 105 đại biểu).

Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 500.000 dân trở lên có tối đa 75 đại biểu (trước là 85 đại biểu); tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 01 triệu dân trở lên được bầu không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu)

Đối với Hội đồng nhân dân cấp quận quy định quận có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 100.000 dân được bầu tối đa 45 đại biểu (trước là 40 đại biểu nếu có trên 80.000 dân); quận có từ 30 phường trực thuộc trở lên có không quá 40 đại biểu (vẫn như trước)

Đối với Hội đồng nhân dân cấp huyện quy định, huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu); huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu).

Đối với hội đồng nhân dân cấp phường quy định phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu (trước có 8.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu); phường có trên 10.000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước có 8.000 dân trở lên được bầu 35 đại biểu).

Đối với Hội đồng nhân dân cấp xã quy định xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2000 dân đến dưới 3000 dân được bầu 19 đại biểu (trước là 20 đại biểu); xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3000 thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu); xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu).

Đại biếu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật

Chiều ngày 22/11/2019, với đa số đại biểu tán thành (89,23% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2020. Đáng chú ý, theo quy định tại Điều 4 về Điều khoản chuyển tiếp: "Từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến khi bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng đại biểu HĐND tại các đơn vị hành chính, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của Ban của HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 (Luật hiện hành).

Như vậy, từ ngày 01/7/2020 cho đến khi bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026, số lượng đại biểu HĐND tại các đơn vị hành chính tiếp tục thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015./.

http://quochoi.vn