Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phản ánh triết lý và quan điểm phát triển của Việt Nam

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phản ánh triết lý và quan điểm phát triển của Việt Nam

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, sau thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững", thì Diễn đàn năm nay thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phản ánh sâu sắc triết lý và quan điểm phát triển của Việt Nam khi quyết định mở rộng phạm vi từ “Diễn đàn Kinh tế” sang “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội”.

Họp báo Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, sẽ diễn ra vào ngày 18/9 tới đây. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự và đồng chủ trì các phiên họp quan trọng của Diễn đàn.

Dự kiến, Diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề, cụ thể: Chuyên đề 1 có chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ đề chuyên đề 2 là về thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đây là sự kiện được tổ chức ở một thời điểm hết sức ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, sau thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững", thì Diễn đàn năm nay đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phản ánh sâu sắc triết lý và quan điểm phát triển của Việt Nam khi quyết định mở rộng phạm vi từ “Diễn đàn Kinh tế” sang “Diễn đàn Kinh tế-xã hội”.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại biểu, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 do Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 18/9 tới đây. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đây là sự kiện được tổ chức ở một thời điểm hết sức ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, không chỉ thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các nước, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư hoặc có ý định đầu tư ở Việt Nam. Đặc biệt, sau thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững", thì Diễn đàn năm nay đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phản ánh sâu sắc triết lý và quan điểm phát triển của Việt Nam khi quyết định mở rộng phạm vi từ “Diễn đàn Kinh tế” sang “Diễn đàn Kinh tế-xã hội”.

Diễn đàn được tổ chức vào dịp đất nước vừa tự hào kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2022) với những quyết tâm và kỳ vọng to lớn; cả nước đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2022 - năm có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo xung lực “bứt phá” thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Phóng viên: Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 là "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững". Đại biểu đặc biệt quan tâm tới nội dung nào tại Diễn đàn năm nay?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi đặc biệt tâm đắc với chủ đề của Diễn đàn Kinh tế-xã hội năm 2022: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững". Tôi rất kỳ vọng Diễn đàn sẽ phân tích, thảo luận làm rõ bối cảnh chính trị-kinh tế quốc tế, nhất là những định hướng lớn của các nước trong cơ cấu lại nền kinh tế trước những diễn biến và tác động của cục diện thế giới; những nhận định chiến lược về những căng thẳng, xung đột hiện nay cũng như những nguy cơ tiềm ẩn trong thời gian tới; phân tích xu hướng dịch chuyển địa-kinh tế, địa-chính trị, những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, bạn hàng, thị trường lớn của chúng ta; những thách thức, kể cả truyền thống, phi truyền thống và thách thức mới đặt ra cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững;…

Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 9 tháng đầu năm 2022, dự báo cả năm 2022 để đề xuất những đối sách, quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì về những kết quả của Diễn đàn Kinh tế - xã hội mang lại đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xă hội năm 2022 của đất nước?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi đặc biệt kỳ vọng Diễn đàn sẽ đưa ra những đề xuất, kiến nghị tổng thể, toàn diện về định hướng chiến lược, giải pháp đồng bộ, lộ trình trước mắt và lâu dài cả về hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển trong bối cảnh mới, cũng như những kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quản lý, giảm thiểu rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, đảm bảo an sinh xã hội; đặc biệt là những kiến nghị nhằm tháo gỡ và giải quyết kịp thời những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, nhất là về điện, xăng dầu; giá cả nhập khẩu đầu vào và chi phí vận tải, logistics gia tăng; nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ các thị trường nguồn và đứt gãy chuỗi kinh tế-thương mại do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến những kiến nghị, đề xuất của Diễn đàn về những giải pháp hữu hiệu nhằm kiềm chế rủi ro lạm phát; giải pháp ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, người dễ bị tổn thương trong xã hội; những giải pháp tăng cường khả năng chống chịu cũng như nâng cao sức đề kháng, và năng lực phục hồi của doanh nghiệp trước những biến động không mong muốn của thị trường; …

Đồng thời, tôi cũng rất kỳ vọng vào những sáng kiến, đề xuất về thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng cộng đồng an toàn có khả năng chống chịu cao trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)