Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Một số vấn đề lớn của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Một số vấn đề lớn của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

Tại Phiên họp thứ 43, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số nội dung

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Báo cáo số 74/BC-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Thay mặt Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn của dự án Luật. Theo đó:

Về nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, có ý kiến đại biểu đề nghị cần phải quy định rõ ràng, cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư và luật khác có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để khắc phục tình trạng chống chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Dự án Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định tại Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các Luật có liên quan (như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư). Đồng thời sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định cụ thể tại dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng… (bỏ Điều 46 Luật Đầu tư hiện hành và sửa đổi, bổ sung các Điều 4, 16, 25, 26, 31 và Điều 48 của dự thảo Luật, kèm theo các nội dung chi tiết tại Phụ lục 1 Báo cáo này); sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật khác tại Điều khoản thi hành của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với những nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên.

Về bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng, có ý kiến đại biểu đề nghị Luật Quản lý nợ công đã quy định chi tiết bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng, đề nghị dẫn chiếu sang, không quy định thêm ở Luật này.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự án Luật Đầu tư quy định việc bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư. Luật Quản lý nợ công quy định bảo lãnh Chính phủ là cam kết của Chính phủ bằng văn bản bảo lãnh với bên cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu chỉnh lý, bổ sung tại khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật theo đó “trừ trường hợp nợ được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công”.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ, bổ sung quy định tiêu chí xác định phân loại địa bàn xã, phường, hải đảo, ven biển đối với việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại điểm c khoản 3 Điều 26 vì đây là khu vực trọng yếu liên quan đến an ninh, quốc phòng của đất nước. Đồng thời làm rõ trách nhiệm, trình tự, thủ tục lấy ý kiến của Bộ quản lý ngành trong các trường hợp này.  

Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, vị trí các đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển đã được thể hiện trên bản đồ địa giới hành chính. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 dự thảo Luật quy định hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều 26 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ nguyên tắc, quy định cụ thể việc lựa chọn nhà đầu tư tại Điều 27. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 theo hướng đối với các dự án đã được phê duyệt trong các quy hoạch là dự án quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh năng lượng, Nhà nước giao đất không phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, không phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đề nghị quy định cụ thể trường hợp lựa chọn nhà đầu tư tại khoản 7 Điều 27.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, Dự án Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm:

(i) Đối với dự án sử dụng đất đáp ứng điều kiện đấu giá đất theo quy định của Luật Đất đai thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

(ii) Đối với dự án không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư mà thuộc diện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, thì tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

(iii) Đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này, thì nhà đầu tư được chấp thuận trong các trường hợp quy định cụ thể tại khoản 3 của Điều 27 dự thảo Luật.

Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã quy định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, trong đó có dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh. Đồng thời, Nghị định quy định điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất trong đó có điều kiện không đủ điều kiện để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Nghị định quy định trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với nhà đầu tư trúng thầu. Theo đó, sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án, việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, đây là trường hợp giao đất, cho thuê đất không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Những quy định trên của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu đã khắc phục được những bất cập hiện nay trong việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Ngoài một số vấn đề lớn, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều nội dung cụ thể khác và chỉnh lý kỹ thuật văn bản dự án Luật, xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật./.

Nguồn: (http://quochoi.vn)