Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Khơi dậy tinh thần sáng tạo của thế hệ trẻ vào các hoạt động của Quốc hội

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Khơi dậy tinh thần sáng tạo của thế hệ trẻ vào các hoạt động của Quốc hội

Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ Lê Quốc Phong, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp: Các cơ quan cần khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm của các ban trẻ tham gia sâu hơn vào quá trình lập pháp, truyền tải được tiếng nói của cử tri với Quốc hội.

Ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngày bầu cử cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; là dịp để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thông qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn được những người hội đủ tiêu chuẩn đề ra.

Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ Lê Quốc Phong, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp.

Với 500 ĐBQH đóng góp tích cực vào các hoạt động của Quốc hội, không thể không kể đến vai trò của ĐBQH trẻ. Trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các ĐBQH trẻ đã tích cực tham gia ý kiến trong xây dựng pháp luật. Nhiều ý kiến thể hiện quan điểm và góc nhìn của giới trẻ, các góc nhìn mới vào các dự thảo dự án luật. Có những quan điểm của các ĐBQH trẻ được các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra tiếp thu. Đặc biệt, các thành viên đã tham gia nhiều vào các phiên họp lấy ý kiến và góp ý tại diễn đàn Quốc hội về Luật thanh niên (sửa đổi); tích cực tham gia các cuộc giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và tại các Đoàn ĐBQH. Từ thực tiễn tiếp xúc cử tri, các ĐBQH trẻ đã truyền tải nhiều ý kiến phản ánh, góp ý của cử tri trẻ đến Quốc hội và Chính phủ để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước.

Để hiểu hơn về sự kỳ vọng trong nhiệm kỳ 2021-2026, các ĐBQH trẻ sẽ phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực và tâm huyết vào các hoạt động của Quốc hội, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ Lê Quốc Phong, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp.

Phóng viên: Thưa đại biểu, số lượng người trẻ tham gia ứng cử vào ĐBQH cho đến nay như thế nào? Đại biểu có kỳ vọng gì về những ĐBQH trẻ trong nhiệm kỳ mới?

Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ Lê Quốc Phong, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 131 ĐBQH trẻ (chiếm 26,5%) số ĐHQH. Trong nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng người ứng cử ĐBQH là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 224 người, chiếm tỉ lệ 25,81%.

Thực tế cho thấy, từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhiều ĐBQH trẻ đã được học hỏi, trải nghiệm qua những hoạt động tiếp xúc cử tri, bày tỏ ý kiến, đóng góp của cử tri với các cơ quan chức năng cũng như tham gia vào các diễn đàn của Quốc hội. Tôi tin tưởng rằng, các ĐBQH trẻ đều được trang bị tốt về trình độ, đạo đức, kỹ năng làm việc và tinh thần trách nhiệm cao để khẳng định vị thế, năng lực của mình đóng góp cho sự phát triển của Quốc hội. Tôi cũng kỳ vọng, trong nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng ĐBQH trẻ sẽ tạo sinh khí mới cho Quốc hội.

Nhóm ĐBQH trẻ cùng các lãnh đạo Ủy ban chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị tổng kết công tác của Nhóm trong khóa XIV.

Phóng viên: Để các bạn trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động của Quốc hội cũng như dành tâm huyết với vai trò là ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần có những chiến lược đột phá nào, thưa đại biểu?

Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ Lê Quốc Phong, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp: Tôi cho rằng, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần thông tin nhiều hơn về hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, nhóm Nghị sĩ trẻ nên phát huy vai trò của mình nhiều hơn để các bạn trẻ thấy được ai có đủ năng lực, tâm huyết đều có thể tham gia vào các hoạt động của Quốc hội. Ngoài ra, các cơ quan cần khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm của mỗi người tham gia sâu hơn vào quá trình lập pháp, truyền tải được tiếng nói của cử tri với các cơ quan chức năng. Khi các bạn trẻ hiểu sâu về hoạt động của Quốc hội, trách nhiệm khi là một ĐBQH thì họ sẽ không còn băn khoăn khi ứng cử là ĐBQH.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi). Vậy khi được áp dụng vào thực tiễn, đại biểu có đề xuất gì để Luật có tác dụng thực sự hữu ích, thiết thực đối với thanh niên Việt Nam nói chung và ĐBQH trẻ nói riêng?

Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ Lê Quốc Phong, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp: Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi). Tôi hy vọng, Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ đi vào cuộc sống của thanh niên một cách thiết thực, cụ thể hơn và mang lại môi trường thuận lợi, tạo điều kiện để thanh niên nói chung và ĐBQH trẻ nói riêng không ngừng sáng tạo, năng động, thực hiện trách nhiệm của mình trong sự phát triển của đất nước. Thế hệ thanh niên là một trong những lực lượng quan trọng quyết định cho sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy, tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội sẽ đưa ra được những quyết sách để thực hiện Luật Thanh niên (sửa đổi) một cách hữu hiệu, thiết thực nhất, mang lại giá trị thực tế nhiều hơn. Chúng ta kỳ vọng nhiều ở thế hệ trẻ thì mong rằng Quốc hội và các ban ngành nên mở ra nhiều cơ hội để họ có thể khẳng định và cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!

(Nguồn: Hội đồng bầu cử quốc gia)