Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Thay đổi cách tiếp cận để có nguồn nhân lực số

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Thay đổi cách tiếp cận để có nguồn nhân lực số

Khi phát triển nền kinh tế số, sẽ đòi hỏi một nguồn nhân lực số, đây là yêu cầu. Vậy, nhân lực số có tiêu chí nào? Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra các tiêu chí: trí lực, thể lực, tâm lực (văn hóa, đạo đức). Còn nếu tiếp cận từ tiêu chí nhân lực số, thì nguồn nhân lực này phải làm chủ thiết bị công nghệ số, có khả năng thích ứng với môi trường lao động luôn có sự biến động và tiến bộ khoa học liên tục được cập nhật, và phải có kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp, sự sáng tạo và khát vọng cống hiến.

Nguyễn Thị Mai Hoa

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ

Làm thế nào có nguồn nhân lực như vậy? Có 3 góc độ tiếp cận. Thứ nhất, Chính phủ phải rõ vai trò chỉ đạo và dẫn dắt. Chúng ta đang chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử. Đây là một trong những giải pháp để có những tác động từ phía lãnh đạo nhà nước đối với phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, có sự cởi trói về cơ chế, có chính sách thiết thực để tạo điều kiện cùng hợp lực phát triển. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành chương trình Chuyển đổi số quốc gia, như vậy, về mặt văn bản, chủ trương đã có, nhưng tôi đặt ra vấn đề đầu tư nguồn lực để cụ thể hóa chương trình này và chỉ đạo quyết liệt, không chỉ là sự chuyển động của Chính phủ, mà 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành cũng phải chuyển động, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Thứ hai, phải xây dựng được nền giáo dục tương thích với kinh tế số và xã hội số. Đây là thách thức không nhỏ. Nếu muốn có chất lượng đào tạo cao, không thể mãi loay hoay với việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục như thế nào. 20% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo là con số chúng ta luôn tự hào, nhưng chừng ấy để nâng cao chất lượng đào tạo là chưa đủ, chưa nói đến chuyện chúng ta kiểm soát dòng chảy của nguồn tiền ngân sách ấy ra sao.

Luật đã trao cho các trường đại học, trường nghề quyền tự chủ, nhưng nên tiếp cận quyền này như thế nào cho đúng? Nói tự chủ là nghĩ ngay đến tự chủ về tài chính, nhưng trước hết phải tự chủ về học thuật, về chuyên môn, còn tự chủ về tài chính nên hiểu theo nghĩa là làm sao có cơ chế, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cấp, các trường có thể được cởi trói thu hút thêm nguồn lực, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Tới khi các trường đại học, trường nghề “đủ lớn” để có thể tự chủ về tài chính, Nhà nước mới không đầu tư nữa. Đây là điều phải thay đổi cách tiếp cận. 

Thứ ba, có lẽ cũng nên đặt ra vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách phát triển nguồn nhân lực, nhưng họ không tham gia vào quá trình đào tạo, thì sẽ dẫn đến tình trạng nhân lực qua đào tạo không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cung và cầu không gặp nhau. Doanh nghiệp phải có tiếng nói từ khi xây dựng chương trình đào tạo. Các doanh nghiệp không chỉ tham gia với vai trò phối hợp mà phải chủ động đặt hàng, đặt ra yêu cầu để các trường triển khai.

Ngoài ra, phải làm tốt công tác truyền thông, thay đổi nhận thức xã hội. Ở ngay từ trường phổ thông, đã phải định hướng để các học sinh biết mình phù hợp, thích nghề gì; cung cấp phương pháp tự học để khi rời ghế nhà trường, các em có phương pháp học tập suốt đời, từ đó mới có khả năng thích ứng khi thay đổi môi trường làm việc. Phải thổi vào các em khát vọng được làm việc, được cống hiến, khát vọng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số...

(Nguồn: daibieunhandan.vn)