Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null ĐBQH: Sau “scandal Việt Á”, cần động viên, giúp ngành y vượt qua khó khăn, tránh tâm lý buồn bã, hoang mang

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

ĐBQH: Sau “scandal Việt Á”, cần động viên, giúp ngành y vượt qua khó khăn, tránh tâm lý buồn bã, hoang mang

Trả lời phỏng vấn ANTĐ tại hành lang Quốc hội chiều 8-6, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tâm tư: vụ Việt Á để lại hệ lụy khủng khiếp chưa từng có tiền lệ và lo ngại hơn là dư âm của nó với ngành y sẽ còn kéo dài...

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Theo ông Hòa, vụ Việt Á là một scandal rất lớn trong ngành y, để lại hệ lụy khủng khiếp chưa từng có tiền lệ. Từ người đứng đầu ngành đến nhiều lãnh đạo y tế ở các địa phương dính lao lý, nó mang đến tâm lý nặng nề, buồn bã, cả đau đớn đối với những người công tác trong ngành y.

"Chúng ta đều biết rằng ngành y là một ngành cao quý, ngành chữa bệnh cứu người, được người dân rất tôn trọng, tôn thờ. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, một bộ phận lãnh đạo trong ngành y có biểu hiện tha hóa, biến chất, không còn xứng với “Lương y như từ mẫu”. Tôi được biết vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và có thể còn chưa dừng lại, dư âm của nó chắc chắn còn kéo dài" - ông Hòa nói.

Vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp nêu quan điểm: Ai có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, xử lý đến nơi đến chốn. Phát hiện đến đâu cần xử lý đến đó. Song chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một cách rạch ròi, khách quan, công minh. Ai có tội phải xử nhưng có công phải khen.

Những người sai phạm trong ngành y dẫu sao cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, là những con sâu trong nồi canh, còn lại hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế không dính dáng gì đến vụ Việt Á, vẫn giữ được phẩm chất, vẫn ngày đêm khám chữa bệnh cứu người thì họ vẫn cần phải được tôn trọng đúng mực.

"Tôi cho rằng, càng những lúc như thế này, càng cần phải có sự quan tâm, động viên của các cấp các ngành, chính quyền các địa phương với ngành y, để giúp ngành y vượt qua khó khăn và tránh tâm lý sụp đổ, buồn bã, không ai muốn làm, không ai dám làm gì. Ít nhất thì cũng phải để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ở đúng tâm thế của mình để họ yên tâm công tác" - ĐB Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Ngành y chao đảo thì chính các người bệnh là đối tượng phải chịu thiệt thòi. Y bác sĩ chao đảo, dao động thì sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Thế nên, lúc này, rất cần sự động viên với ngành y, với những cán bộ nhân viên y tế, cả về vật chất và tinh thần, nhất là phải tạo mọi điều kiện để ngành y hoạt động.

Ngược lại, với mỗi cán bộ nhân viên y tế, ông Hòa cho rằng, những người công tác trong ngành y tế cũng cần phải nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm của mình, không phải vì sai phạm của những lãnh đạo trong ngành mà hoang mang dao động, mà không dám làm gì.

Vị ĐB là Ủy viên Ủy ban Pháp luật nói: "Tôi được biết có nhiều bệnh viện hết thuốc chữa bệnh mà không dám đấu thầu mua thuốc, nhập thuốc. Những quy định về đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế đều đã có đầy đủ, trước khi xảy ra vụ Việt Á chúng ta vẫn đang làm tốt, không thể về vụ Việt Á mà giờ không làm".

Một điều rất quan trọng nữa mà ông Hòa mong muốn là phải sớm kiện toàn nhân sự lãnh đạo ngành y.

"Bộ Chính trị đã phân công Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phụ trách Bộ Y tế thay ông Nguyễn Thanh Long. Khâu nhân sự cơ quan có thẩm quyền sẽ làm. Cá nhân tôi mong muốn làm sao chọn được người đứng đầu ngành y tế thực sự là người có đức, có tài, có trách nhiệm để đưa ngành y vượt qua sóng gió hiện nay, củng cố lại ngành trong thời gian tới" - ông Hòa nói thêm.

(Nguồn: An ninh Thủ đô)