Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null "Chống tham nhũng, chỉ cần siết chặt kê khai tài sản"

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

"Chống tham nhũng, chỉ cần siết chặt kê khai tài sản"

Thực tế thời gian qua, chúng ta cứ nói cho kê khai tài sản của cán bộ và ai cũng kê khai. Tuy nhiên, kê khai vậy thôi nhưng truy ra nguồn gốc tài sản ở đâu mà có thì không ai truy.  

Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021 của Ban Nội chính Trung ương, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các đơn vị của Ban cần tập trung hoàn thành 7 Đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo Kế hoạch, trong đó nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng được kỳ vọng không chỉ kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý hành vi tham nhũng mà còn có thể kiểm soát chặt việc kê khai tài sản, ngăn chặn tham nhũng.

Xung quanh vấn đề trên, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Ông Phạm Văn Hòa.

Nên thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng chuyên trách

- Mới đây, Ban Nội chính Trung ương đề nghị các đơn vị nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng. Là đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông có ủng hộ đề xuất này?

Bản thân tôi cho rằng, cần thiết phải thành lập một cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng.

Thời điểm thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội cũng đã có ý kiến đề nghị nên thành lập một cơ quan phòng chống tham nhũng chuyên trách.

Tuy nhiên, khi đó, đang thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về tinh giản biên chế. Nếu thành lập thêm một cơ quan phòng chống tham nhũng của Trung ương chuyên trách sẽ tăng thêm biên chế nên Quốc hội khi đó không đồng ý.

Do đó, trong Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi là không có cơ quan phòng chống tham nhũng chuyên trách mà sẽ do cơ quan của Thanh tra Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề đó.

Tôi cho rằng, hiện nay việc thành lập một cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng là cần thiết. Tuy nhiên, số lượng người tham gia cơ quan này cần ít thôi, chủ yếu là những chuyên gia đầu ngành, những cán bộ chuyên trách, am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ, có năng lực và nên chỉ thành lập ở Trung ương.

Thực tế tình hình hiện nay, nên có một cơ quan tham mưu giúp việc như vậy cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, xử lý những đối tượng, tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng.

Cần giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản

- Có ý kiến cho rằng, việc lập cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng là cần thiết nhưng chỉ cần giám sát, thực tốt các quy định hiện hành, đặc biệt là kê khai tài sản, ông nghĩ sao về việc này?

Hiện nay, việc kiểm soát kê khai tài sản của cán bộ công chức, viên chức, Đảng viên cũng đã có một cơ quan quản lý. Tuy nhiên, giờ có một cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng của Trung ương sẽ có sự phân công phù hợp và hợp lý.

Giám sát kê khai tài sản phải làm sao cho có sự minh bạch, rõ ràng, công khai để khi có sự vụ, sự việc, thậm chí, không có sự việc những cũng sẽ quản lý được cán bộ, con em cán bộ như thế nào, tài sản ở đâu ra, làm gì để có tài sản đó thì rất hay và tốt.

Thực tế thời gian qua, chúng ta cứ nói cho kê khai tài sản của cán bộ và ai cũng kê khai. Tuy nhiên, kê khai vậy thôi nhưng truy ra nguồn gốc tài sản ở đâu mà có thì không ai truy. Thậm chí, người ta có biết nhưng cũng không làm bởi số lượng quá đông, quá nhiều. Khi xảy ra sự việc, người ta mới truy và truy ra nhưng lại vướng vào sự chồng chéo giữa luật và khâu tổ chức thực hiện.

Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về thu hồi tài sản tham nhũng mà có nếu phát hiện phạm tội rất hay, rất tốt. Tuy nhiên theo luật, quyền tài sản cá nhân là bất khả xâm phạm và được luật pháp bảo vệ. Chúng ta sống theo Hiến pháp và pháp luật cho nên tất cả do luật điều chỉnh. Chỉ có sửa luật thì mới điều chỉnh được những hành vi sai phạm, những tài sản tham nhũng, tẩu tán tài sản khi phát hiện ra, chúng ta mới truy ra được. Hiện nay rất khó truy ra vì những tài sản đó thường do người khác đứng tên. Cho nên việc thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng chuyên trách nên cần và nên có với bộ máy rất tinh gọn với những con người có phong cách, đạo đức, phẩm chất và phải thực sự liêm khiết.

Cần sửa đổi Luật để giao quyền cơ quan chuyên trách

- Như vậy, để cơ quan phòng chống tham nhũng chuyên trách nếu được thành lập thì phải sửa Luật?

Theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng, Nhà nước ta đã thành lập 3 cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Tuy nhiên, đến nay, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm cho thấy hiệu quả chưa cao.

Thực tế, vẫn còn tình trạng cơ quan phòng chống tham nhũng thời gian qua ít nhiều cũng thể hiện sự không liêm khiết, cũng có sai phạm, chuyện nọ, chuyện kia. Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và các ban ngành Trung ương trực tiếp liên quan kiêm nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng vẫn có cán bộ không liêm khiết sẽ dẫn đến công tác phòng chống tham nhũng không hiệu quả và đạt kết quả không cao.

Theo quy định, nếu được thành lập, cơ quan phòng chống tham nhũng chuyên trách phải hoạt động theo luật. Khi có cơ quan này rồi, có thể phải sửa đổi thêm luật phòng chống tham nhũng sửa đổi thì mới có thẩm quyền được. Thực tế, Công an, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra đều có luật. Họ căn cứ vào những luật đó để làm. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có luật nào về sự hoạt động của cơ quan phòng chống tham nhũng chuyên trách. Do vậy nếu muốn giao thẩm quyền cao hơn cho cơ quan này nếu thành lập cần phải sửa luật để giao trách nhiệm cho cơ quan này thực thi nhiệm vụ.

Xin cảm ơn Đại biểu Phạm Văn Hòa về cuộc trò chuyện!

(Nguồn: Tri thức và Cuộc sống)