Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Thay đổi mang tính đột phá

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Thay đổi mang tính đột phá

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi), trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 này là thay đổi phương thức quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân. Theo Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA, đề xuất này là sự thay đổi mang tính đột phá, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Dự án Luật Cư trú sửa đổi có sự thay đổi phương thức quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất trên?

- Đề xuất của Bộ Công an và Ban soạn thảo thay đổi rất nhiều về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc bỏ, không sử dụng hộ khẩu bằng giấy tôi cho rằng là việc rất cần thiết. Đây là một bước đột phá, đánh dấu sự tiến bộ lớn của nước ta trong quá trình hội nhập với thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống xã hội.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy không phải là bỏ quản lý về hộ khẩu, bỏ quản lý nơi thường trú, tạm trú, đi khỏi nơi cư trú mà là thay đổi phương thức quản lý, thay đổi cách làm. Thực tế cho thấy, quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy tạo ra rất nhiều phiền toái, rườm rà. Nếu chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân thì khi đó, người dân sẽ không phải cứ đi giải quyết thủ tục liên quan thì phải mang theo sổ, hay cũng không phải lo đến chuyện mất sổ phải làm lại sổ mới, như vậy rất phiền phức, tốn thời gian và tiền bạc. 

Bên cạnh đó, chuyển đổi từ hình thức sổ hộ khẩu sang mã số định danh cũng nhằm mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng rong công tác chuyên môn của cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an. Cán bộ hành chính cũng không thể lợi dụng quy định để sách nhiễu, trục lợi, công tác quản lý từ đó cũng minh bạch và rõ ràng hơn. Mặc dù không quản lý bằng sổ hộ khẩu nhưng việc khai báo vẫn được thực hiện bằng các thao tác trên hệ thống quản lý từ máy tính, do đó về phía cơ quan chức năng vẫn sẽ quản lý được chính xác công dân đi đâu, ở đâu, góp phần vào công cuộc phòng, chống tội phạm.

- Muốn chuyển sang quản lý theo định danh cá nhân, tất cả công dân Việt Nam phải được cấp mã số và Chính phủ phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với thời gian Quốc hội ban hành Luật Cư trú sửa đổi, dự kiến năm 2021. Vậy theo ông, tính khả thi của việc này ra sao?

- Theo như lộ trình dự kiến thì đến năm 2020, sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư và số định danh cá nhân. Tuy nhên ở thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa thực hiện được. Vừa rồi, Thủ tướng phê duyệt đề án lùi lại một năm, nghĩa là vào năm 2021.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Nguồn: ITN

Thực tế cho thấy, đến nay mới chỉ có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân, còn lại  khoảng 80  triệu công dân vẫn chưa được cấp, nghĩa là quá trình triển khai vẫn còn rất chậm. Điều này là một bất cập trong việc sửa đổi Luật Cư trú. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấp mã số định danh cá nhân, song cũng không khỏi băn khoăn về tính khả thi của quá trình này. Vì vậy, nếu Luật Cư trú sửa đổi được Quốc hội thông qua thì các lực lượng công an từ Trung ương cho đến địa phương phải tăng cường, quyết liệt để cấp mã số cá nhân cho người dân. Theo như báo cáo của Bộ Công an thì Bộ cũng chịu trách nhiệm và hứa trước Quốc hội sẽ hoàn thành việc cấp mã số cá nhân cho từng công dân sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Nếu Bộ Công an triển khai đúng như đề xuất hoàn thành mã số định danh vào năm 2021 thì người dân sẽ được hưởng lợi.

- Khi quản lý công dân bằng mã số định danh, nhiều người lo ngại tin tặc có thể xâm nhập và thay đổi dữ liệu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Đây là một vấn đề cần cân nhắc và cũng phải đặc biệt chú ý. Hiện nay có nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu dù tốn kém nhưng hiệu quả sử dụng lại thấp do không kết nối, trao đổi  được với những đơn vị khác. Trong khi đó, nếu muốn đưa dữ liệu ra bên ngoài để kết nối như vậy thì quá trình bảo mật rất phức tạp và nhiều rủi ro. Vì vậy, khi quản lý dân cư bằng mã số định danh thông qua hệ thống trên máy tính thì đòi hỏi cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sự an toàn thông tin phải được đặt lên hàng đầu, tránh lọt thông tin của người dân ra bên ngoài, tạo điều kiện cho tin tặc tấn công. Đây cũng là trách nhiệm đặt lên vai Chính phủ, Bộ Công an để bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của từng công dân.

- Ủy ban Pháp luật cho biết, 27 thủ tục hành chính trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Vậy phương án nào để tránh xáo trộn cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi chuyển sang quản lý bằng mã số định danh?

- Hiện nay có 20 ngành nghề bắt buộc công dân phải có sổ hộ khẩu và có thể các thủ tục liên quan sổ hộ khẩu còn nhiều hơn chứ không dừng lại ở con số 27. Khi cơ quan nhà nước quản lý theo sổ hộ khẩu, công dân phải trình sổ này khi thực hiện các thủ tục liên quan là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi chuyển sang mã số định danh cá nhân, dữ liệu dân cư sẽ phải được kết nối với nhau, thông tin giữa các bộ, ngành sẽ được đồng bộ hóa, thông suốt và mạch lạc. Từ số định danh cá nhân có thể truy xuất được tên tuổi, lý lịch của từng công dân. Dữ liệu này cũng phải được hoàn thiện sao cho từng cá nhân hay đơn vị, doanh nghiệp tra cứu phục vụ cho công việc liên quan, thay thế cho bước trình sổ hộ khẩu bằng giấy như trước đây vẫn làm. Bên cạnh đó, dự án Luật cũng phải nêu rõ ràng, cụ thể các quy trình, quy chuẩn về tra cứu dữ liệu, để khi bỏ sổ hộ khẩu không gây ra vướng mắc nào.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/