Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Nhiều quyết sách đúng - trúng - kịp thời

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Nhiều quyết sách đúng - trúng - kịp thời

Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp, với nhiều quyết sách sách đúng - trúng - kịp thời được Quốc hội ban hành nhằm tạo đà cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian tới. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp) cũng kỳ vọng, Chính phủ, các cấp, ngành, các địa phương sẽ quyết tâm cao nhất, tích cực triển khai thực hiện để các quyết sách của Quốc hội nhanh chóng vào cuộc sống, đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Hoàn thành khối lượng công việc lớn, đồng thuận cao

- Ông đánh giá thế nào về kết quả của Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV?

­- Đây là kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XV của Quốc hội được tiến hành theo hình thức họp tập trung cả kỳ sau thời gian dài nước ta căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét khối lượng công việc lớn, đạt sự đồng thuận cao và đặc biệt đã quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Ảnh: Thanh Chi

Điểm nhấn của Kỳ họp thứ Ba là lần đầu tiên tại một kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia, nâng tổng số dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án, với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương. 

- Ông đánh giá như thế nào về những đổi mới tại Kỳ họp này? 

- Tôi đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động linh hoạt báo cáo Quốc hội điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình kỳ họp, sắp xếp chương trình nghị sự của Quốc hội khoa học, hợp lý, nhờ đó Quốc hội hoàn thành khối lượng công việc lớn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và kết thúc thời gian kỳ họp như dự kiến. Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp nhiều phiên thảo luận tại Hội trường để hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, giúp cử tri và Nhân dân theo dõi sát sao hơn hoạt động của Quốc hội. 

Quyết tâm cao trong tổ chức, thực hiện

- Qua xem xét các nội dung tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội cũng đã yêu cầu cụ thể các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để Chính phủ thực hiện trong thời gian tới, thưa ông?

- Trong 5 tháng đầu năm 2022, do hậu quả của dịch Covid-19 và khó khăn mới phát sinh do căng thẳng địa chính trị, kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát tăng cao và đà phục hồi chậm lại rõ rệt. Báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 cho thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện những quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo tiền đề căn bản để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã rất quyết tâm, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và đến nay tình hình dịch Covid-19 cơ bản được cải thiện tích cực. Đây có thể xem như một thành quả lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội như: các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai; công tác dự báo thu ngân sách nhà nước chưa sát thực tiễn; phân bổ, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; chi chuyển nguồn ngân sách còn lớn; nguy cơ nợ xấu, lạm phát tăng cao; sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến tích cực; còn nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế; một số nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội triển khai chưa kịp thời, hiệu quả…

Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra như: bám sát diễn biến và dự báo tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của ngân hàng trung ương các quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn đến nước ta để kịp thời có giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, triển khai hiệu quả, đồng bộ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và nhóm tiêu chuẩn, định mức cụ thể để bảo đảm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương. Chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nợ xấu và có giải pháp căn cơ, bền vững nhằm định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là giá xăng, dầu; nghiên cứu chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho một số đối tượng đặc thù; duy trì chuỗi cung ứng; bảo đảm nguồn cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt… Với những giải pháp trọng tâm này, tôi thấy yên tâm để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Việc tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các Nghị quyết của Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng để đưa các quyết sách của Quốc hội nhanh chóng vào cuộc sống, thưa ông? 

- Đúng vậy! Điều này đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, trên dưới đồng lòng, chỉ đạo quyết liệt. Phải cương quyết khắc phục bằng được những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, như đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế này. 

Đơn cử, trong lĩnh vực thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải được đẩy nhanh để bảo đảm thu hồi được vốn từ cổ phần hóa. Hiện nay, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn rất chậm. Vấn đề này có liên quan đến thị trường bất động sản. Phần lớn các doanh nghiệp cổ phần hóa có tài sản bất động sản rất lớn nên việc định giá tài sản vẫn còn bất cập. Thực tiễn thời gian qua cũng cho thấy, một số lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị vướng vào vòng lao lý là do cố ý làm trái pháp luật trong vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, cho nên việc phê duyệt giá trị tài sản gắn liền với đất, giá trị thương hiệu doanh nghiệp… vẫn còn rất khó. Chính vì lẽ đó, cần phải tính đúng, tính đủ, không để thất thoát ngân sách nhà nước và cũng không để doanh nghiệp thiệt thòi.

Hay trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay số vốn đầu tư công đang còn “nằm trong két”, chưa được tung ra thị trường cũng là một thiếu sót, hạn chế, cần phải được đẩy nhanh thực hiện trong thời gian tới, để những dự án đầu tư công được triển khai sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả như mong đợi.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)