Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Bước qua nền nông nghiệp đánh đổi

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Bước qua nền nông nghiệp đánh đổi

Giá đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng đây là cơ hội chuyển nền nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kiên trì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp "Xanh - Sinh thái - Bền vững".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoan nói:

Trong vấn đề vật tư nông nghiệp tăng giá thì không có ai "vô can". Từ việc sử dụng, đã xuất hiện tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Rồi từ những loại phân thuốc bình thường, dần đã xuất hiện những sản phẩm "cực mạnh", "siêu nhanh" như những tấm bảng quảng cáo ngay trên đồng ruộng và hằng ngày trên báo đài.

Phân thuốc trở thành một "mê hồn trận" như báo Tuổi Trẻ đã từng nêu trước đây. Hệ quả là điều bất thường dần trở nên bình thường, còn nguy cơ vẫn chỉ dừng lại ở những cảnh báo thoáng qua.

* Theo Cục Bảo vệ thực vật, giai đoạn 2017-2020, ĐBSCL sử dụng phân bón trung bình hơn 1 tấn/ha gieo trồng, cao hơn 42% trung bình cả nước. Thuốc BVTV, năm 2020 dùng trung bình 6,27 kg/ha, cao hơn cả nước khoảng 65%. Điều đáng quan ngại này có nguyên nhân từ đâu?

- ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, đã đi theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, nhất là ngành hàng lúa gạo trong nhiều thập kỷ. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, nơi đây mặc định được xem góp phần chủ yếu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Để đạt được yêu cầu sản lượng cao cho mục tiêu đó, bà con nông dân và cả ngành nông nghiệp mặc nhiên xem việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV và hóa chất trong nông nghiệp như một giải pháp tối ưu.

Từ sử dụng rồi lạm dụng, kết quả là đất đai bị suy thoái, chất dinh dưỡng không còn. Khi cây trồng không còn được "nuôi dưỡng" từ đất thì phải trông vào những chất kích thích tăng trưởng từ bên ngoài. Mùa vụ này đến mùa vụ khác cứ rơi vào vòng lặp: sử dụng nhiều, đất đai lại càng chai cằn, đất đai càng chai cằn lại càng phải sử dụng nhiều.

* Không phải đợi tới khi giá đầu vào tăng cao ĐBSCL mới nghĩ tới giảm sử dụng phân, thuốc. Những mô hình này đã có từ lâu nhưng vì sao không có sự lan tỏa?

- Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng nông dân Việt Nam đã lãng phí trong sử dụng phân thuốc tới 40-50%. Ngân hàng Thế giới cách đây 5 năm đã nhận định vấn đề của nông nghiệp Việt Nam là "chi phí cao, chất lượng kém", và đưa ra khuyến nghị về mọi giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là phải đảo ngược lại theo hướng "giảm chi phí, tăng chất lượng".

Tín hiệu đáng mừng là trong vài năm gần đây, nhiều mô hình chứng minh "giảm chi phí, nâng chất lượng" hoàn toàn có thể thực hiện. Nhiều nông dân trồng lúa đã giảm được giống xuống chỉ còn 2/3, thậm chí gần phân nửa so với trước. Giảm được giống đồng nghĩa là giảm được phân thuốc, song năng suất vẫn đảm bảo hoặc có thể sụt giảm nhưng bù lại tiết kiệm được chi phí nhiều hơn.

Nhiều nông dân áp dụng bón phân dùi, sử dụng phân tan chậm, tham gia mô hình "lúa - tôm", "lúa - cá", "lúa - sen", hoặc xen canh, đa canh, tạo ra tuần hoàn dinh dưỡng trong đất…

Tuy nhiên, sự lan tỏa những cách làm hiệu quả như vậy còn chậm.

Đầu tiên, đó là do tập quán lâu đời không dễ thay đổi. Bà con thường nhìn sang mảnh ruộng kế bên mà ít có điều kiện tìm đến những mô hình ở xa và "chưa thấy, chưa tin" là tâm lý chung.

Thứ hai, cũng có khi thấy rồi, tin rồi, nhưng vẫn khó thay đổi, vì muốn làm theo phải tốn thêm chi phí ban đầu, trong khi đó sức ép mùa vụ, nhất là với những nông dân sản xuất quy mô nhỏ…

Nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sẽ đánh đổi nhiều thứ, trong đó có sức khỏe nông dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Có ý kiến cho rằng, không nên "đổ thừa" cho nông dân mà cái chính là chính quyền và ngành nông nghiệp thời gian qua chưa làm tốt khâu truyền thông, thiếu các mô hình, cách làm hay?

- Một khi còn tìm cách đổ thừa hay biện minh sẽ không giải quyết được vấn đề. Nếu xem đó là lỗi, thì có nguyên nhân của cả một hệ thống chứ không chỉ trách nông dân.

Cá biệt còn có tình trạng "chính sách pháp luật, đề án, kế hoạch ở trong phòng lạnh, còn người nông dân ở ngoài đồng". Các cấp chính quyền thường chỉ quan tâm tới mục tiêu sản lượng, không xem vấn đề lạm dụng phân thuốc là cái bẫy dẫn đến chi phí sản xuất cao, làm bào mòn thu nhập của nông dân. Sâu xa hơn, còn chưa tính đến những hệ lụy khác của một "nền nông nghiệp đánh đổi".

Đó là đánh đổi môi trường tự nhiên, suy thoái hệ sinh thái; đánh đổi sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của chính người nông dân; đánh đổi hình ảnh, thương hiệu nông sản của địa phương mình.

Thực tế, một bộ phận cán bộ thanh tra, kiểm tra sản phẩm vật tư nông nghiệp thiếu năng lực, tắc trách. Bà con nông dân thì thường chỉ quan tâm đến giá đầu ra mà ít quan tâm đến giảm chi phí đầu vào, quan tâm đến sản lượng nhiều hơn là chất lượng.

Đi đâu cũng thường nghe bà con hỏi nhau câu: "Mùa rồi có được mùa, trúng giá không?", mà ít khi nghe chia sẻ nhau: "Có giảm chi phí được hơn chút nào không?".

* Bộ đã có giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?

- Bộ NN&PTNT vừa ban hành chỉ thị về tăng cường sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Bên cạnh các công việc cần thực hiện, chỉ thị cũng giới thiệu cụ thể một số mô hình đang được thực hiện tốt...

* Nhiều chuyên gia nói phải chuyển đổi mạnh từ sử dụng phân vô cơ sang phân hữu cơ. Bộ đã và sẽ có giải pháp gì trong vấn đề này?

- Gần đây, nhiều mô hình sản xuất của bà con nông dân đã chủ động chuyển sang sử dụng chế phẩm, phân thuốc sinh học, vật tư đầu vào từ những nguyên liệu, phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, sẵn có tại địa phương, thân thiện với môi trường… Kết quả ban đầu tại nhiều mô hình được đánh giá là tiết kiệm, hiệu quả.

Tất nhiên, mọi thay đổi cần một quá trình. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thương mại hóa các sản phẩm hữu cơ, sinh học nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước.

* Giá vật tư đầu vào tăng cao cũng là cơ hội áp dụng các mô hình giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm. Trong bối cảnh này, ngành nông nghiệp sẽ có những định hướng gì?

- Phải tư duy rằng tiết giảm chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp có nhiều mục tiêu.

Một là, tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Hai là, giảm chi phí nhưng đồng thời nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản.

Ba là, sẽ chuyển giao những công nghệ ủ phân hữu cơ phù hợp cho nông dân.

Bốn là, kiên trì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp "Xanh - Sinh thái - Bền vững".

Nông nghiệp truyền thống vì mục tiêu duy nhất là sản lượng. Nông nghiệp mới hướng tới vừa đạt mục tiêu sản lượng và đạt cái còn quan trọng hơn là chất lượng. Đó là chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp".

Tư duy đó không phải nằm trong các bản chiến lược cấp trung ương mà phải nằm trong kế hoạch hành động của địa phương, ngay cả cấp xã.

Đây là cơ hội để thay đổi hình ảnh một nền nông nghiệp. Đó sẽ là tiền đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Như vậy, thay đổi để "chủ động thích ứng" bối cảnh mới chứ không phải giải pháp "đối phó" nhất thời.

Tại cánh đồng theo mô hình lúa - tôm ở Bạc Liêu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)