Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Tọa đàm về biên chế nhà giáo và dạy học trong bối cảnh Covid-19

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Tọa đàm về biên chế nhà giáo và dạy học trong bối cảnh Covid-19

Sáng 16.2, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về những vấn đề đặt ra với Chính phủ trong việc giải quyết bài toán biên chế nhà giáo và dạy học trong bối cảnh Covid-19. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì tọa đàm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại tọa đàm

Hiện nay thiếu số lượng lớn giáo viên ở các cấp học; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở từng địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, từng cấp học, từng môn học, đặc biệt là các môn mới được triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Việc giải quyết vấn đề này gặp nhiều vướng mắc khi các địa phương đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, trong khi nhu cầu của ngành giáo dục đang gia tăng (do bổ sung các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018, do học 2 buổi/ngày, do tăng dân số cơ học và di dân ở một số địa phương...); thiếu chính sách thu hút nên các địa phương vùng dân tộc thiểu số, vùng cao khó tuyển giáo viên một số môn như tiếng Anh, Tin học… 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, cơ chế, chính sách đối với nhà giáo còn nhiều bất cập; chủ trương lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bảng lương nhiều năm chưa được thực hiện; chưa có chính sách phù hợp đối với giáo viên ngoài biên chế, giáo viên ngoài công lập...

Các ý kiến đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu xác định công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp đột phá, từ đó có cơ chế, chính sách ưu tiên thiết thực để phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, tập trung đầu tư xây dựng và đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên...

Toàn cảnh tọa đàm

Về tác động của dịch Covid-19 với giáo dục và đào tạo, hơn 2 năm qua, dịch bệnh đã khiến hàng triệu học sinh, giáo viên phải thực hiện giãn cách ngay từ thời điểm bắt đầu năm học mới 2021 - 2022. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng lớn tới việc dạy, học và chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em, học sinh, đặc biệt là sức khỏe tâm thần do thời gian học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp... Các chuyên gia đề nghị cần bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng các hình thức dạy học phù hợp, đầu tư xây dựng các nền tảng giáo dục trực tuyến; quan trọng hơn, từng bước mở cửa trường học bảo đảm an toàn, chất lượng...

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện cơ sở giáo dục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng các góp ý tại tọa đàm giúp Thường trực Ủy ban có cái nhìn tổng thể, cách tiếp cận, lý giải, phân tích thấu đáo. Đây là căn cứ quan trọng để Ủy ban lựa chọn vấn đề chuẩn bị cho phiên giải trình Về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19; cũng như phục vụ công tác xây dựng luật pháp, giám sát triển khai thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)