Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Ban hành nghị quyết có giải quyết được vấn đề?

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Ban hành nghị quyết có giải quyết được vấn đề?

Dù đề xuất rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, song Chính phủ đã bổ sung dự thảo Nghị quyết về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, để đáp ứng phần nào đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về khả năng bao quát của dự thảo Nghị quyết này.

Bản chất là sửa Luật Đất đai

Tại Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chính phủ đã xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, vì nội dung dự án Luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn. Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai. Qua cân nhắc các vấn đề nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất đai sau Đại hội XIII của Đảng. Song, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng ngay Nghị quyết của Quốc hội để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc thời gian qua.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Ủy ban Pháp luật tán thành. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Đất đai hiện hành tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, không cần ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ Chín. Việc không ban hành Nghị quyết này được Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật chỉ rõ là vì "về bản chất việc ban hành Nghị quyết cũng là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai".

Luật Đất đai là luật nền mà dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đã phải rút khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Chúng ta chuẩn bị lâu nay để sửa đổi một số điều của luật hiện hành mà vẫn chưa làm được, bây giờ ban hành một nghị quyết có giải quyết được vấn đề không? Chỉ ra thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần cân nhắc việc ra nghị quyết của Quốc hội để giải quyết một số vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai.

Với việc sửa đổi Luật Đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý, cần có cái nhìn toàn diện, giải quyết bài bản những vướng mắc, hạn chế đang đặt ra. Nhiều vấn đề nên để nhiệm kỳ sau giải quyết, vì từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII mới xác định được quy hoạch phát triển kinh tế đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và từ tổng thể mới đi đến những việc cụ thể. “Nếu chúng ta cứ ào ào như thế này, tôi thấy băn khoăn. Cái gì làm tốt được thì làm tốt đã, cái gì mới phải hết sức cân nhắc, phải “gác cổng” rất chặt chẽ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Một số vướng mắc đã được tháo gỡ

Tại Kết luận 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa IX về tiếp tục đổi mới pháp luật về đất đai đã chỉ rõ, cần quan tâm đổi mới cơ chế về đấu giá, đấu thầu. Kết luận 36 của Bộ Chính trị cũng gợi mở một số cơ chế mới, trong có cơ chế buộc các hộ có nhiều đất, nhiều nhà mà để đất hoang hóa phải chịu mức thuế cao hơn, liên quan đến pháp luật về thuế tài sản. Thực hiện Kết luận 36 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ và đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, song hiện chưa được trình ra.

Dù một số vướng mắc chưa được khắc phục, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, đã có một số vướng mắc, bất cập liên quan đến Luật Đất đai được tháo gỡ thông qua quá trình sửa đổi Luật Đầu tư. Nếu dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới sẽ gỡ được một số vướng mắc trong xác định điều kiện được tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai, khi nào tiến hành đấu thầu dự án có sử dụng đất, khi nào chấp thuận chủ trương… Chính phủ cũng ban hành Nghị định 25 về đấu thầu quyền sử dụng đất đối với các dự án có sử dụng đất, giúp tháo gỡ một số vướng mắc khác liên quan đến công tác này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận thấy, dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai có nội dung gần như sửa đổi Luật hiện hành. Sau khi Ủy ban Pháp luật thẩm tra, Chính phủ tới nay vẫn chưa xử lý được những vướng mắc này. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, nếu sửa đổi những chính sách quan trọng cần đưa vào quá trình sửa đổi Luật Đất đai, không ban hành nghị quyết riêng. "Ủy ban Kinh tế tán thành không trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV mà sẽ chuyển sang cho Quốc hội Khóa XV, để chờ các định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, sau đó sẽ sửa".

Có thể thấy, việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết một số vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước các vấn đề đang đặt ra trong thực tế. Nhưng với sự thận trọng cần thiết và đòi hỏi cao về chất lượng văn bản pháp luật cùng tầm nhìn dài hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện rõ quan điểm không đưa dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 như đề xuất của Chính phủ.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/