Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Thật sự công bằng, chất lượng, hiệu quả

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Thật sự công bằng, chất lượng, hiệu quả

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hiện đang được hoàn thiện hồ sơ để trình bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022. Nhiều đại biểu cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, dự án Luật này phải tập trung giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay và giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

Nguồn: ITN

Xây dựng cơ chế pháp lý rõ ràng cho khám, chữa bệnh từ xa

Tại Phiên họp thứ Năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo đúng quy định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 3.2022. Nếu đủ điều kiện sẽ bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022). Tinh thần là phải rất khẩn trương, để bảo đảm tiến độ đặt ra.

Căn cứ theo Kết luận này, trong Phiên làm việc với Ủy ban Xã hội đầu tháng 12 vừa qua, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, việc tổng kết thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã được bổ sung, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 2019 - 2021, đặc biệt là nội dung liên quan đến phòng, chống dịch Covid - 19. Nội dung này cũng sẽ có tác động lớn đến việc sửa đổi Luật, bảo đảm Luật ban hành phù hợp với thực tiễn.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trong trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động khám chữa bệnh từ xa trợ giúp.

Trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin, triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Ban Chỉ đạo quốc gia đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19”. Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh. "Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới”, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh. 

Hiệu quả của hội chẩn trực tuyến trên nền tảng công nghệ thông tin đã đóng góp quan trọng vào kết quả điều trị người bệnh Covid-19. Trung tâm quản lý, điều hành được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt là với dịch bệnh nguy hiểm Covid-19. Qua đó, Thủ tướng cũng có chỉ đạo “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu rõ, hoạt động khám, chữa bệnh từ xa chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để triển khai. Do đó, những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là quy định về khái niệm; điều kiện thực hiện; danh mục bệnh được phép khám chữa bệnh từ xa; trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia; yêu cầu chuyên môn trong chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa; cơ chế thanh toán dịch vụ, hợp đồng hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa… đều cần được xem xét, quy định cụ thể. 

Phát triển mô hình bác sĩ gia đình như thế nào?

Một trong những chỉ đạo quan trọng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh khi cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là: “lấy người bệnh làm trung tâm”. Lãnh đạo Bộ Y tế nêu rõ, dự thảo Luật đang tập trung quy định các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nhằm mục tiêu phục vụ người bệnh được tốt hơn. Cụ thể như: Nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề thông qua thi đánh giá năng lực hành nghề, giám sát điều kiện, yêu cầu chuyên môn, kỹ năng của người hành nghề thông qua quy định thời hạn của giấy phép hành nghề. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, gắn giá với mức chất lượng của từng cơ sở, qua đó khuyến khích cơ sở đầu tư, cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người bệnh.

Cùng với đó, một nhiệm vụ quan trọng nữa là triển khai mở rộng mô hình bác sĩ gia đình tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước có 340 phòng khám bác sĩ gia đình: 256 phòng khám công lập và 84 phòng khám tư nhân. Số phòng khám bác sĩ gia đình được cấp phép theo Thông tư 16/2014/TT – BYT: 198, số phòng khám bác sĩ gia đình chưa được cấp giấy phép hoạt động là 142. Song, việc đào tạo bác sĩ gia đình vẫn còn nhiều hạn chế cả về quy mô đào tạo, chương trình đào tạo, đặc biệt là vấn đề thực hành về y học gia đình. Một số danh mục thiết yếu phục vụ dịch vụ nguyên lý gia đình như quản lý hồ sơ, sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình, khám dự phòng, sàng lọc, khám lưu trú, khám chữa bệnh lưu động chưa được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Danh mục thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân tại tuyến cơ sở còn hạn hẹp về số lượng, chủng loại.

Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình chưa hiệu quả. Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Các địa phương triển khai còn mang tính hình thức. Đặc biệt ở trạm y tế phường ở TP lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội lại thêm đầu việc cho nhân viên y tế, không có kinh phí hỗ trợ triển khai mô hình bác sĩ gia đình, không được đầu tư cơ sở vật chất, thuốc… Cơ chế giá và thanh toán bảo hiểm y tế gặp khó khăn đặc biệt khi khám tại nhà bệnh nhân. Không chỉ người dân, cả nhân viên y tế đều nghĩ bác sĩ gia đình là bác sĩ đến khám tại nhà.

Bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng cơ bản, toàn diện và liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tải tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tai nạn thương tích tăng cao, việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ giúp người dân được chăm sóc sát sao nhất. Bác sĩ gia đình sẽ là người nắm rõ từng người bệnh, cả về hoàn cảnh gia đình, cũng như lối sống để đưa ra những lời khuyên hữu ích về chăm sóc sức khỏe. Chúng ta đã kỳ vọng rất nhiều, nhưng việc thực hiện đến nay vẫn còn vướng mắc, cần được tháo gỡ và tạo điều kiện phát triển ngay trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này.

Từ những vấn đề nêu trên, các đại biểu tham dự Phiên họp của Ủy ban Xã hội đều cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, cơ quan soạn thảo cần nhiều nỗ lực hơn nữa để khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)