Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Cơ sở pháp lý buộc thực hiện nghiêm túc các cam kết

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Cơ sở pháp lý buộc thực hiện nghiêm túc các cam kết

Câu hỏi ngắn gọn, sâu sắc, điều hành linh hoạt, đại biểu tăng cường tranh luận để sáng tỏ, triệt để hơn vấn đề đặt ra... sẽ làm cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn thực sự sôi động. Tuy nhiên, phiên họp chỉ thực sự hiệu quả khi những giải pháp, lời hứa được đưa ra khẩn trương và thực thi có trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương và giải quyết những bức xúc trong dư luận. Việc ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tạo cơ sở pháp lý buộc người trả lời phải thực hiện nghiêm túc các cam kết dưới sự giám sát của đại biểu HĐND và cử tri.

Đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi chất vấn tại một kỳ họp HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021Ảnh: Hữu Trí

Sáng tỏ, triệt để hơn

Để phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, hiệu quả, điều hành của chủ tọa đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, phương pháp điều hành khoa học và dân chủ, vừa bảo đảm tính nghiêm túc, vừa không tạo ra không khí quá căng thẳng sẽ khích lệ đại biểu vượt qua tâm lý e ngại, tích cực tham gia chất vấn. Chủ tọa điều hành linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên quyết khi kết luận những vấn đề người trả lời chất vấn chưa trả lời thỏa đáng, chưa cụ thể, thiếu trách nhiệm sẽ tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn, mang tính chất xây dựng. Qua đó, khuyến khích đại biểu mạnh dạn tham gia chất vấn để làm rõ những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm, bức xúc ngay tại kỳ họp.

Bên cạnh đó, việc điều hành phiên họp theo hướng yêu cầu sự tham gia của giám đốc nhiều sở, ngành liên quan trả lời trực tiếp; đồng thời, hướng việc hỏi và trả lời đi vào đúng trọng tâm và truy vấn đến cùng sẽ giúp làm rõ vấn đề đại biểu nêu, nhất là trách nhiệm ngành chức năng và hướng giải quyết. Thực tế tổ chức ở nhiều địa phương cho thấy, với phương pháp tổ chức và điều hành như vậy, cùng với việc phiên họp được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, buộc tư lệnh các sở, ngành đều phải chủ động chuẩn bị, sẵn sàng tham gia trả lời chất vấn. Điều đó giúp cho vấn đề được làm sáng tỏ, triệt để hơn. Cũng qua đó, nhiều tồn tại trong công tác phối hợp giữa các đơn vị đã được phát hiện, yếu tố trách nhiệm của các ngành được làm rõ để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Cơ sở giám sát việc thực hiện lời hứa

Câu hỏi ngắn gọn, sâu sắc, điều hành linh hoạt, đại biểu tăng cường tranh luận để làm rõ những vấn đề đặt ra... sẽ làm cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn thực sự sôi động. Tuy nhiên, phiên chất vấn và trả lời chất vấn chỉ thực sự hiệu quả khi những giải pháp, lời hứa được đưa ra khẩn trương và thực thi có trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương và giải quyết những bức xúc trong dư luận. Nhận thức rõ điều này, HĐND nhiều địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đưa việc ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn thành hoạt động thường xuyên sau mỗi kỳ họp thường kỳ, đã tạo ra cơ sở pháp lý buộc người trả lời phải thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình dưới sự giám sát của đại biểu HĐND và cử tri.

Theo kinh nghiệm của các địa phương, việc ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đòi hỏi kiến thức và bản lĩnh của chủ tọa trong việc đưa ra các kết luận sau mỗi lượt chất vấn, quyết định các nội dung được đưa vào nghị quyết về chất vấn theo quy định. Gồm: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn; thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập; trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân và trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn. Cùng với đó, thời gian diễn ra kỳ họp từ nội dung chất vấn đến việc thông qua nghị quyết khá ngắn, công tác tham mưu, chuẩn bị cần tập trung cao, gần như đồng thời với quá trình diễn ra chất vấn.

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là văn bản có giá trị pháp lý bắt buộc chấp hành đối với các chủ thể được chất vấn. Yêu cầu đặt ra là dự thảo nghị quyết cần được chuẩn bị chặt chẽ, thể hiện đầy đủ nội dung của phiên chất vấn, các nội dung người bị chất vấn phải tiếp tục thực hiện làm cơ sở để giám sát sau này; bảo đảm dự báo được tình hình, kết quả của phiên chất vấn, bao quát được nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan được chất vấn và vấn đề đưa ra chất vấn để trình HĐND thông qua tại cuối kỳ họp. Đây là cơ sở để HĐND tiếp tục giám sát nên cần cụ thể nội dung, xác định rõ đối tượng, thời gian thực hiện, biện pháp khắc phục và trách nhiệm báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND. 

Cũng theo kinh nghiệm của các địa phương, trên cơ sở nội dung nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong chương trình giám sát hàng năm của Thường trực, các Ban HĐND cần có nội dung giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, trong đó có nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, theo từng lĩnh vực phụ trách. Tại các kỳ họp thường lệ tiếp theo, Thường trực HĐND đề nghị UBND và các đơn vị đã được chất vấn tại kỳ họp trước báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của HĐND; đồng thời, rà soát, đối chiếu kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị với nội dung của nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải trình thêm để đại biểu HĐND giám sát hoặc tiếp tục tái chất vấn đến khi được thực hiện hiệu quả trên thực tế.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)