Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Tham mưu tổ chức chất vấn trong các phiên họp Thường trực HĐND: Tạo “nguyên liệu” cho chất vấn

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Tham mưu tổ chức chất vấn trong các phiên họp Thường trực HĐND: Tạo “nguyên liệu” cho chất vấn

Muốn có hoạt động chất vấn hàng tháng thì phải có nội dung chất vấn thường xuyên, nội dung này do đại biểu HĐND đề xuất. Đây là công việc hết sức khó khăn do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, Văn phòng HĐND tỉnh Bắc Giang đã đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh các giải pháp để tạo “nguyên liệu” cho hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh.

Theo quy định, chất vấn là thẩm quyền riêng có của đại biểu HĐND. Điểm đ, Khoản 1, Điều 5 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định: “Đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở địa phương.”. Cũng tại Luật này, Khoản 2, Điều 66 quy định Thường trực HĐND: “Xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 5 của Luật này trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND”.

Tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân Văn phòng HĐND tỉnh Bắc Giang có thành tích trong công tác năm 2019. Ảnh: N. Dương

Như vậy, muốn có hoạt động chất vấn hàng tháng thì phải có nội dung chất vấn thường xuyên, nội dung này do đại biểu HĐND đề xuất. Đây là công việc hết sức khó khăn, do đại biểu HĐND được cơ cấu từ nhiều thành phần khác nhau tại địa phương, chưa sẵn tinh thần và kỹ năng trong đề xuất câu hỏi chất vấn cũng như thực hiện chất vấn trực tiếp. Trong khi đó, đại biểu lại có mối quan hệ đa dạng, phức tạp với người bị chất vấn. Hơn nữa, từ trước đến nay, hoạt động chất vấn chỉ được diễn ra tại kỳ họp HĐND sau khi đại biểu HĐND đã có một khoảng thời gian gần nửa năm hoạt động và vừa tham gia kỳ TXCT trước kỳ họp…

Để giải quyết vấn đề trên, Văn phòng HĐND tỉnh Bắc Giang đã đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh 3 giải pháp để tạo “nguyên liệu” cho hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh.

Thứ nhất, đưa vào Chương trình giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về lĩnh vực sẽ tổ chức chất vấn và giao nhiệm vụ cho các Tổ đại biểu, nơi quản lý trực tiếp hoạt động của các đại biểu trong khu vực và các Ban của HĐND tỉnh, nơi quản lý các đại biểu là thành viên của Ban, trực tiếp chỉ đạo để các đại biểu đề xuất nội dung chất vấn. Cách làm này bảo đảm tính chủ động trong khâu chuẩn bị cho phiên họp, tăng cường nhận thức về trách nhiệm và quyền hạn của đại biểu trong lĩnh vực này; đồng thời, giảm bớt yếu tố “cá nhân” ảnh hưởng đến các mối quan hệ với người bị chất vấn. Thông thường, Thường trực HĐND tỉnh bố trí tháng giữa hai kỳ họp để tổ chức hoạt động chất vấn trên một lĩnh vực nhất định.

Với sự chỉ đạo của Thường trực và các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã có sự tập trung vào các vấn đề chung, nổi cộm, bức xúc của địa phương, có sự trao đổi, thảo luận để đưa ra các câu hỏi chất vấn có chất lượng, loại bỏ được các vấn đề cá nhân hoặc sự vụ, nhỏ lẻ trong chất vấn… Với cách làm trên, hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức được từ 2 - 3 phiên họp có hoạt động chất vấn; mỗi phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh nhận được từ 15 - 20 câu hỏi chất vấn từ các đại biểu HĐND tỉnh.

Thứ hai, dành một số nội dung, câu hỏi chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh đã được tổ chức, nhất là các nội dung cần có sự trao đổi, thảo luận kỹ để đưa ra chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND. Như chúng ta đã biết, tại các kỳ họp, do thời gian có hạn hoặc vì lý do tế nhị, một số nội dung chất vấn không được tổ chức chất vấn trực tiếp hoặc không được truy vấn đến cùng; một số nội dung Chủ tọa phải dành cho người bị chất vấn trả lời sau bằng văn bản; việc trả lời bằng văn bản đôi khi không làm thỏa mãn người chất vấn... Để giải quyết vấn đề trên, Văn phòng HĐND tỉnh đã đề xuất chuyển một số nội dung cho Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng. Về mặt thủ tục, hoạt động này đơn giản, chỉ cần sự ủy quyền của HĐND tỉnh tại kỳ họp.

Thứ ba, xây dựng hệ thống các tiêu chí để gắn hoạt động này trong quá trình đánh giá thi đua của đại biểu, các Ban và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Hệ thống tiêu chí thi đua được Thường trực HĐND tỉnh thông qua ngay trong phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ, tập trung vào việc đề xuất nội dung chất vấn, thưởng khi có nhiều câu hỏi chất vấn; thực hiện chất vấn trực tiếp, thưởng khi truy vấn… Hệ thống các tiêu chí thi đua đã có tác động mạnh đến hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh nói chung và hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh nói riêng.

Với các đề xuất trên và được sự chấp thuận của Thường trực HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã triển khai có nền nếp các nội dung trên và đã tổ chức được nhiều phiên chất vấn tại các phiên họp hàng tháng. Tại các phiên chất vấn này, hoạt động chất vấn được thực hiện tương tự như tổ chức hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh. Kết quả chất vấn và tác động đã xóa đi rào cản tâm lý của đại biểu HĐND tỉnh; nâng cao vai trò của người đại biểu nhân dân và thẩm quyền của cơ quan dân cử, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân bị chất vấn.

Có thể nói, với việc tham mưu và tổ chức thực hiện những việc làm trên, Văn phòng HĐND tỉnh Bắc Giang nhận thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phát huy vai trò của đại biểu HĐND tỉnh theo định hướng của Thường trực HĐND tỉnh trong hoạt động chất vấn nói chung, việc thực hiện chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh nói riêng.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn