Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Đổi mới cơ chế tài chính y tế: Phù hợp và hiệu quả

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Đổi mới cơ chế tài chính y tế: Phù hợp và hiệu quả

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang có nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đổi mới cơ chế tài chính y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mặc dù vậy, tỷ lệ chi tiền túi từ người sử dụng dịch vụ y tế còn cao, đòi hỏi phải xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, có lộ trình triển khai hiệu quả.

Tỷ lệ chi tiền túi cho dịch vụ y tế còn cao

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là “đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế”, bao gồm, tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân; điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế và chất lượng dịch vụ; đa dạng các gói BHYT; BHYT xã hội với BHYT thương mại.

Hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiền túi từ người sử dụng dịch vụ y tế

Nguồn: ITN

Thực hiện mục tiêu đó, hệ thống y tế của Việt Nam liên tục phát triển, đạt những thành tựu rất quan trọng như tuổi thọ trung bình ngày càng cao và cao hơn đáng kể so với các nước có cùng điều kiện về kinh tế xã hội, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm, việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngày càng được cải thiện, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt trên 90% dân số vào năm 2020.

Mặc dù vậy, tỷ lệ chi tiền túi ở nước ta vẫn chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế. Theo thống kê, số người tham gia BHYT ở nước ta là 86,5 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 88,65% dân số). Số lượt khám bình quân đầu người là 2,1 lượt/thẻ BHYT/năm, với số tiền bình quân 129 USD/người (tương đương khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó, có tới 37% là tiền thuốc (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng). Mức chi tiêu từ tiền túi cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 20% và cao gấp 2 - 2,5 lần so với các nước phát triển (từ 14 - 20%).

Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia của WHO chỉ ra đó là hầu hết bệnh viện áp dụng phương thức chi trả theo phí dịch vụ, nghĩa là bệnh nhân dùng dịch vụ nào thì trả tiền cho dịch vụ đó.Phương thức này tiềm ẩn nguy cơ gia tăng chi phí, dẫn đến đơn vị cung cấp dịch vụ cố gắng để cung cấp dịch vụ nhiều hơn. Theo thống kê, tiền thuốc năm 2019 đã giảm còn 34,7% so với năm 2015 là 53% nhưng các dịch vụ khác như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, ngày giường lại tăng hơn so với trước. Mặt khác, việc rất nhiều người dân có bệnh thông thường nhưng đến các bệnh viện lớn khám, chữa bệnh, vô hình trung cũng làm tăng chi phí y tế.

Nguồn: ITN

Tăng cường giải pháp tài chính

Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế TS. Lê Văn Khảm cho biết, mục tiêu của nước ta là giảm tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ xuống còn 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Do đó, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính y tế nhằm bảo đảm người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đặc biệt là các giải pháp công nghệ tiên tiến có chi phí cao về thuốc, dịch vụ, vật tư y tế đang dần trở thành mối quan tâm lớn.

Làm thế nào để xây dựng một cơ chế tài chính phù hợp và hiệu quả, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh, giúp họ có thể tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiên tiến, đang là băn khoăn của không ít chuyên gia y tế. Có ý kiến cho rằng, để tăng cường các giải pháp tài chính cho chăm sóc sức khỏe, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, nguồn BHYT thì các nguồn tài chính khác dựa trên nguyên lý bảo hiểm cũng là nguồn kinh phí quan trọng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân về các gói quyền lợi bảo hiểm trong chăm sóc sức khỏe, góp phần vào bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Nguồn: ITN

Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan đang xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó đề xuất quỹ BHYT chi trả cho một số chương trình khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng như bệnh tiểu đường, một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung và một số ung thư nếu phát hiện sớm, can thiệp kịp thời sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Y tế, điều căn bản nhất là áp dụng phương thức chi trả theo chẩn đoán với bệnh nhân nội trú, xác định trước số tiền cho mỗi chẩn đoán bệnh. Khi đó cả bác sĩ và bệnh nhân đều là đối tượng được chỉ định, xác định rõ sử dụng dịch vụ nào là hợp lý nhất, tiết kiệm chi tiêu nhất. Dự kiến từ tháng 7 tới, Bộ Y tế sẽ bắt đầu áp dụng phương thức chi trả này. Thực tế, mô hình này đã được Bộ Y tế thí điểm tại Quảng Ninh, Yên Bái, Cần Thơ… và cho hiệu quả rất tốt. Điều quan trọng nhất là vấn đề kỹ thuật, phải tính toán giá sát thực tế với hơn 10.000 dịch vụ, không được cao quá gây lãng phí nhưng không được thấp quá để bệnh viện bảo đảm đủ điều kiện để hoạt động. 

Song song với đó, cần tính tới lộ trình điều chỉnh mức đóng BHYT, nhằm mở rộng phạm vi chi trả, tăng quyền lợi khi khám, chữa bệnh. Bởi thực tế, trung bình mỗi năm, quỹ BHYT của Việt Nam đang chi khoảng 100.000 - 120.000 tỷ đồng cho chi phí khám, chữa bệnh. Năm 2011, mức đóng BHYT hàng tháng vẫn giữ nguyên là 4,5% mức tiền lương tháng. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, số tiền chi từ Quỹ BHYT đã tăng hơn mức thu, hiện đang kết dư chỉ còn khoảng 35.000 tỷ đồng. 

"Tăng mức đóng có thể từ nguồn nhà nước hỗ trợ, nguồn thu nhập doanh nghiệp và từ tiền lương của người dân. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu phần trăm lương cơ sở, tăng đối tượng nào trước… cần có nghiên cứu, tính toán thận trọng theo lộ trình" - TS. Lê Văn Khảm kiến nghị. 

(Nguồn: daibieunhandan.vn)