Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu HĐND các cấp: Xây dựng chiến lược nhân sự nữ đủ tâm, đủ tầm

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu HĐND các cấp: Xây dựng chiến lược nhân sự nữ đủ tâm, đủ tầm

Nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu HĐND các cấp, giải pháp căn cơ trước hết là việc tạo nguồn, xây dựng được đội ngũ nữ đại biểu HĐND đủ tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động. Các cấp ủy Đảng cần quán triệt nghiêm túc chủ trương của Trung ương để lãnh đạo các cấp, các ngành ở địa phương xây dựng chiến lược nhân sự nữ đủ tâm, đủ tầm đảm đương nhiệm vụ. Khi đã lựa chọn được những nữ đại biểu xứng đáng, hãy tạo cho họ môi trường làm việc thuận lợi, niềm tin, kiến thức và kỹ năng để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nhiều trở ngại

Trước hết, cần khẳng định tỷ lệ đại biểu nữ đã được nâng lên đáng kể qua các nhiệm kỳ. Một số địa phương có sự quan tâm thực sự và hiệu quả nên tỷ lệ nữ đại biểu HĐND đạt khá cao. Tuy vậy, còn nhiều địa phương khác vẫn chưa thực sự tạo điều kiện tốt nhất để có nhiều phụ nữ tham gia vào hoạt động HĐND, thậm chí có những tỉnh, thành, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND còn giảm sau những nhiệm kỳ đã có bước gia tăng, hoặc tỷ lệ này còn trồi trụt, chưa có bước gia tăng vững chắc để tiệm cận với mục tiêu Trung ương đề ra.

Có thể thấy rõ, quá trình thực thi chủ trương bình đẳng giới vẫn gặp nhiều trở ngại. Thứ nhất, suy nghĩ lâu đời, ăn sâu vào nhận thức của mọi người, trở thành nếp nghĩ, cao hơn là định kiến giới đã tạo nên bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, trong bộ máy quản lý xã hội của chúng ta, nữ chỉ chiếm số ít. Những người đề ra chủ trương, quyết định về nhân sự đa số là nam giới, “ưu tiên” cho phụ nữ ít phải tham gia công tác xã hội để làm tốt vai trò làm vợ làm mẹ, làm dâu là điều dễ hiểu. Có thể thấy, định kiến giới là nguyên nhân lâu dài và khó giải nhất.

Thực tế, chủ trương tiến tới bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng, có mục tiêu, lộ trình cụ thể. Nhưng do thể chế chính sách phải được hoàn thiện dần theo thời gian nên kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Mục tiêu tăng tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động xã hội được triển khai chưa đồng đều nên kết quả cũng chưa ngang bằng ở các địa phương. Việc thực thi mục tiêu bình đẳng giới ở nhiều nơi còn hình thức mà chưa có sự giám sát chặt chẽ và biện pháp kiên quyết của cấp có thẩm quyền. Bước đi thiếu căn bản, chưa xuất phát từ việc quy hoạch đào tạo bồi dưỡng để phát triển cán bộ nữ...

Tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát cho nữ đại biểu HĐND cấp xã của tỉnh Phú Yên

Giải pháp căn cơ là việc tạo nguồn

Để tạo chuyển biến căn bản, tiến tới mục tiêu bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực xã hội là cả quá trình lâu dài, từ thay đổi nhận thức đến hành động. Trước hết, cần chuyển dần nhận thức theo hướng mọi người, dù nam hay nữ đều có quyền, có cơ hội như nhau trong việc tham gia các hoạt động để làm thay đổi xã hội theo chiều hướng ngày càng phát triển tốt đẹp.

Một vấn đề nữa là, chúng ta không thể bàn về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu HĐND nếu không xét chung trong tổng thể nhân sự nữ ở địa phương, bao gồm nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo chính quyền, mặt trận, đoàn thể... Hiện nay, tình hình chung thì nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo quản lý, cũng như nữ đại biểu HĐND các cấp ở địa phương vẫn chiếm tỷ lệ khá thấp, năng lực trình độ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn chưa đồng đều, điều kiện hoạt động của nữ giới còn khó khăn về nhiều mặt.

Riêng về tổ chức HĐND, tính đại diện, trong đó có đại diện về giới là hiển nhiên nên càng phải được quan tâm và xác lập mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng. Trước tiên, để bảo đảm tính đại diện về giới, một tỷ lệ hợp lý, tiến tới cân bằng về đại biểu nữ trong tổng số đại biểu HĐND các cấp là vấn đề cần được quan tâm thực sự. Các cấp ủy Đảng cần quán triệt nghiêm túc chủ trương của Trung ương để lãnh đạo các cấp, các ngành ở địa phương xây dựng chiến lược nhân sự nữ đủ tâm, đủ tầm đảm đương nhiệm vụ. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên cho cả nhiệm vụ trước mắt và mục tiêu lâu dài. Tránh tình trạng chỉ khi đến nhiệm kỳ, các địa phương mới tìm chọn các ứng cử viên đưa vào danh sách hiệp thương bầu cử nên khá lúng túng, bị động. Do thiếu quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nên chất lượng các ứng cử viên nữ chưa cao, chưa đồng đều, từ đó danh sách chốt sau quy trình hiệp thương để đưa vào bầu cử của nữ thường thấp hơn nhiều so với nam giới.

Chưa kể, có nơi thực hiện chủ trương này chưa thực sự thấu đáo, chưa quan tâm tạo cơ hội cho ứng cử viên nữ trúng cử, đôi khi ứng cử viên nữ tham gia vào liên danh chỉ để làm nhiệm vụ góp phần cho thành công của cuộc bầu cử chứ không phải mục tiêu trúng cử. Số lượng nữ đại biểu quá ít như nhiều địa phương hiện nay cũng là một điểm yếu, tạo nên tâm lý e dè, ngại ngùng của chính đại biểu nữ, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, đến sự tin tưởng của cử tri khi gửi gắm các ý kiến phản ánh, đề xuất. Cơ cấu kết hợp nhiều tiêu chuẩn trong một đại biểu nữ, như trẻ, dân tộc, đoàn thể cần được xem xét cân nhắc lại.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn đại biểu HĐND các cấp là thống nhất. Riêng đại biểu nữ, do đặc thù giới nên cần chọn nữ đại biểu có tố chất phù hợp, bản lĩnh, độc lập, mạnh mẽ, có điều kiện hoạt động đại biểu như có thể sắp xếp hài hòa hợp lý giữa việc gia đình và việc xã hội, có mức sống bảo đảm, được gia đình, cơ quan tổ chức hỗ trợ trong thời gian làm nhiệm vụ đại biểu. Sau khi trúng cử, công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu, trong đó có đại biểu nữ cần được chú trọng. Hoạt động của các câu lạc bộ nữ đại biểu HĐND ở một số địa phương cũng là một cách làm hay, giúp các đại biểu nữ cùng nhau trao đổi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, chia sẻ thông tin...

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là bản thân nữ đại biểu HĐND cần thực sự tâm huyết, xác định trách nhiệm, tham gia đầy đủ các hoạt động HĐND; nỗ lực học hỏi, nghiên cứu văn bản tài liệu, hiểu biết quy định pháp luật; sâu sát thực tế, nâng cao kỹ năng tổng hợp, phân tích, so sánh đối chiếu các thông tin, dữ liệu; có khả năng phát hiện vấn đề để kiến nghị, đề xuất...

Tóm lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu HĐND các cấp, giải pháp căn cơ trước hết là việc tạo nguồn, xây dựng được đội ngũ nữ đại biểu HĐND các cấp đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động. Khi đã lựa chọn được những nữ đại biểu xứng đáng, hãy trao cho họ môi trường làm việc thuận lợi, niềm tin, kiến thức và kỹ năng để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nguồn: (http://daibieunhandan.vn)