Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Kỳ vọng những quyết sách thiết thực, kịp thời

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Kỳ vọng những quyết sách thiết thực, kịp thời

Quốc hội Khóa XV khép lại năm 2021 với hàng loạt quyết sách hợp lòng dân. Tiếp nối mạch dấu ấn đó, ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2022, tinh thần chủ động, trách nhiệm tiếp tục được khẳng định thông qua các nội dung được xem xét, bàn thảo tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Dõi theo kỳ họp, cử tri và Nhân dân cả nước kỳ vọng, các quyết sách hết sức kịp thời của kỳ họp sẽ nhanh chóng trở thành động lực mạnh mẽ cho quá trình hồi phục đất nước sau hơn 2 năm “vật lộn” với đại địch Covid-19.

Tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy phục hồi, phát triển

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất tổ chức ngay những ngày đầu tiên của năm mới 2022 được kỳ vọng sẽ mở ra rất nhiều động lực cho đất nước không chỉ trong năm mà còn trong cả giai đoạn. Nhà báo Nguyễn Cường (Tạp chí Kinh tế - Môi trường) cho rằng: Với tình hình đất nước hiện nay, yêu cầu về cơ chế, chính sách đúng và trúng hết sức cấp bách để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đất nước bước sang năm mới 2022 trong trạng thái bình thường mới, tâm thế thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt, hiệu quả, nhất là với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vẫn hết sức phức tạp hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam đang rất cần những đột phá về thể chế, cơ chế để tạo cú hích cho quá trình hồi phục, phát triển sau một thời gian “vật lộn” với đại dịch.

Cùng quan điểm này, Luật sư Bùi Quang Trung (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ triển khai trong 2 năm dịch bệnh hoành hành vừa qua nhưng tại Kỳ họp bất thường này, các chính sách tài khóa và tiền tệ khi được Quốc hội thông qua sẽ mang tính tổng thể, tập trung lực để đất nước nhanh chóng vượt qua những khó khăn chồng chất. “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, phải tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trung và dài hạn. Muốn vậy, các chính sách tài khóa, tiền tệ cần huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm”, luật sư Trung gửi gắm.

“Huyết mạch” giao thông cần được phát triển đều khắp

Theo dõi diễn biến kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, bên cạnh bàn thảo các quyết sách và tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cử tri Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Công ty GoGlobalTravel (TP. Đà Nẵng) dành sự quan tâm lớn đến Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. “Cao tốc Bắc - Nam phía Đông là điểm nhấn quan trọng trong phát triển hệ thống giao thông của đất nước. Việc thực hiện dự án bằng hình thức đầu tư công là sẽ giúp sớm có một con đường hiện đại xuyên suốt đất nước…”, cử tri Nguyễn Thành Đạt nói.

Còn theo cử tri Phạm Trọng Nghị (TP. Pleiku, Gia Lai), đây có thể là thời điểm vàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải. Trong thời điểm lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân còn ít do tác động của đại dịch để tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng sẽ là giải pháp biến “nguy” thành “cơ”. Với định hướng đó, cần xác định tăng đầu tư công tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng. Nhấn mạnh phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên khai mạc kỳ họp: “Giao thông giống như mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh”, cử tri Phạm Trọng Nghị mong muốn, “huyết mạch” này sẽ được quan tâm, tạo điều kiện phát triển đều khắp, nhất là các khu vực còn yếu kém về hạ tầng. Đây là giải pháp quan trọng kéo giảm chênh lệch các vùng miền; phát huy hiệu quả liên kết vùng, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân.

Thành phố Cần Thơ.   Nguồn: Báo Đầu tư

Thêm động lực để Tây Đô cất cánh

Trong số các nội dung được Quốc hội bàn thảo sôi nổi những ngày vừa qua, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhất là cử tri khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều cử tri Cần Thơ chia sẻ, những năm qua, thành phố ngày càng thể hiện rõ nét vai trò của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức thu hút, tác động lan tỏa đến các địa phương khác trong vùng. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, chức năng của một đô thị lớn chưa nổi trội. Thành phố chưa thật sự trở thành hạt nhân liên kết và kết nối, tạo ra đột phá để thực sự trở thành trung tâm động lực cho cả vùng. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là thành phố chưa có được động lực đủ mạnh và hơn cả là nguồn lực đầu tư chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Dành nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của vùng đất Tây Đô, cử tri Nguyễn Võ Nguyên Pháp cho biết: Các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính; phân cấp quản lý cho thành phố về quản lý đất đai, tăng quyền chủ động quyết định chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng các khu chức năng và cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương, phân bổ thu nhập cán bộ, công chức, viên chức… sẽ được quyết nghị tại Kỳ họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển đột phá của thành phố thời gian tới.

Không chỉ riêng cử tri thành phố, nhiều chuyên gia nhận định: Điều Cần Thơ cần là sự vượt trội cần thiết phù hợp bối cảnh thực tiễn, khả năng cân đối nguồn lực đầu tư công và huy động mạnh mẽ đầu tư toàn xã hội. Cùng với đó, tăng cường sự chủ động của địa phương trên cơ sở gắn với trách nhiệm và bảo đảm việc kiểm tra, giám sát của Trung ương. Kỳ vọng trở thành trung tâm vùng của Cần Thơ sẽ được vun đắp thêm động lực từ các quyết nghị quan trọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất này của Quốc hội.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)