Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân: Tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân: Tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân

Là một hình thức giám sát thể hiện rõ nhất bản lĩnh của đại biểu và trách nhiệm của ngành hữu quan, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND những nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri. Qua đó, nhiều vấn đề đã được giải quyết kịp thời. Những vấn đề lớn, có tính lịch sử để lại, cần thời gian xử lý căn cơ, dứt điểm cũng được quan tâm giải quyết từng phần, có chuyển biến tích cực; không ít lời hứa đã được tổ chức thực hiện, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVII.   Ảnh: Ngọc Mai

Thể hiện rõ bản lĩnh của đại biểu

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nhiều địa phương đã duy trì đường dây “nóng” cũng như công bố địa chỉ hộp thư để Nhân dân và cử tri góp ý, phản ánh. Trong một kỳ họp nhiệm kỳ 2011 - 2016 của HĐND cấp huyện, có vị trưởng một cơ quan nọ đăng đàn trả lời chất vấn, sau phần trả lời chưa đi thẳng nội dung vấn đề, có tới 3 đại biểu tái chất vấn nhưng vị nọ cứ trả lời vòng vo. Vì vậy, một số cử tri theo dõi qua truyền thanh bức xúc gọi điện và nhắn tin cho chủ tọa yêu cầu không phải trả lời nữa và đề nghị xem xét trách nhiệm, cho vị "tư lệnh" ngành đó nghỉ để khỏi tốn thời gian của dân và của HĐND.

Có lẽ trong bất kỳ một kỳ họp thường kỳ nào của cơ quan dân cử, phiên họp đa số đại biểu và cử tri trông đợi nhất chính là phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một hình thức giám sát bậc cao, thể hiện rõ ràng nhất bản lĩnh của đại biểu và trách nhiệm của người được chất vấn.

Chất vấn là một quyền dành riêng cho đại biểu dân cử, góp phần lớn vào thành công trong hoạt động của HĐND. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử, thể hiện vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với những vấn đề lớn, nổi cộm tác động đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, được đông đảo cử tri, dư luận quan tâm. Hoạt động chất vấn hướng đến mục tiêu xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm trong thực thi công vụ, giúp cho hoạt động của các cơ quan và người được chất vấn thực hiện chức trách, nhiệm vụ tốt hơn. Đồng thời, giúp đại biểu HĐND có cơ sở đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, góp phần tạo dư luận xã hội thúc đẩy người được chất vấn quan tâm thực hiện lời hứa, trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân.

Nhiều đổi mới, sáng tạo

Học tập kinh nghiệm và những đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội, những năm gần đây, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND các cấp có nhiều đổi mới. Nhiều địa phương vận dụng phương pháp “hỏi một, đáp ba”, đại biểu hỏi ngắn gọn, nếu các "tư lệnh" ngành trả lời vòng vo là bị “tuýt còi” ngay. Các đại biểu HĐND có thể tranh luận khi thấy không thỏa đáng, nhưng thời gian tranh luận không quá 3 phút; thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, mang tính phản biện cao.

Cùng với yêu cầu người trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND phần lớn là thủ trưởng có trách nhiệm cao nhất, Thường trực HĐND nhiều địa phương luôn gợi ý và khuyến khích đại biểu chủ động thực hiện các đoạn phóng sự ngắn gửi kèm theo câu hỏi để tăng tính thuyết phục, thực tế và sinh động cho phiên chất vấn - trả lời chất vấn. Với tinh thần trách nhiệm, nhiều đại biểu đã xác minh, phân tích và tổng hợp cụ thể các dẫn chứng để minh họa cho nội dung chất vấn từ khảo sát thực tiễn, nghiên cứu quy định, văn bản và gặp gỡ cử tri để làm rõ. Nhờ đó, chất lượng câu hỏi khá tốt, có tính bao quát, rõ ràng, nhiều câu hỏi đi thẳng đến vấn đề quy trách nhiệm, tạo sự hấp dẫn và sức “nóng” cho nghị trường kỳ họp, tập trung chủ yếu trên lĩnh vực ngân sách, tài nguyên môi trường, chế độ chính sách và quản lí đô thị.

Bên cạnh truyền hình trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND nhiều địa phương đã chú trọng đặt hàng báo, đài địa phương xây dựng các phóng sự, phỏng vấn các cá nhân liên quan về các nội dung được chất vấn, mở rộng truyền hình trực tiếp các phản hồi, đánh giá, nhận xét của cử tri và Nhân dân về phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Để nâng cao chất lượng trả lời, Chủ tọa điều hành chú trọng theo hướng cùng trả lời, yêu cầu sự tham gia trả lời của Giám đốc nhiều sở, ngành liên quan. Cùng với việc phiên họp được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, buộc "tư lệnh" ngành phải chủ động chuẩn bị, sẵn sàng tham gia trả lời. Điều đó giúp cho vấn đề được làm sáng tỏ, triệt để hơn. Cũng qua đó, nhiều tồn tại trong công tác phối hợp giữa các đơn vị sẽ được phát hiện, yếu tố trách nhiệm của các ngành được làm rõ, qua đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Và để tạo cơ sở pháp lý đôn đốc thực hiện những cam kết, kết luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp; đồng thời, tích cực đôn đốc việc thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau. Qua đó, nhiều vấn đề đã được giải quyết kịp thời. Những vấn đề lớn, có tính lịch sử để lại, cần thời gian xử lý căn cơ, dứt điểm cũng được quan tâm giải quyết từng phần, có chuyển biến tích cực. Nhiều ý kiến chất vấn đã được giải đáp thẳng thắn trên tinh thần cầu thị, không né tránh; không ít lời hứa trên diễn đàn kỳ họp đã được tổ chức thực hiện, tạo niềm tin cho cử tri.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)