Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Thuốc nào cho bệnh “sợ trách nhiệm”?

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Thuốc nào cho bệnh “sợ trách nhiệm”?

“Hiện có tâm trạng ngại việc, sợ trách nhiệm, sợ làm là dính đến quy định của pháp luật nên cầm chừng, thoái lui”. Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 19.3 vừa qua.

Trách nhiệm là điều mà cá nhân, tổ chức buộc phải làm, phải gánh vác khi được Đảng, Nhà nước, tổ chức, lãnh đạo giao phó. Nếu không hoàn thành công việc, hoặc gây hậu quả đồng nghĩa với việc họ chưa làm hết trách nhiệm cá nhân đối với nhiệm vụ được giao. Và trong trường hợp đó, tùy theo mức độ nặng nhẹ, họ sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm pháp lý tương ứng.

Trong bối cảnh “lò lúc nào cũng nóng”, sau hàng loạt cựu quan chức sai phạm ở một số địa phương, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng, lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước bị vướng vòng lao lý đã có một căn bệnh mới xuất hiện mang tên “sợ trách nhiệm”. Xuất hiện cán bộ không dám quyết, không dám làm. Có không ít có suy nghĩ tiêu cực, “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm thì không sai”. Điều này vô hình trung tạo nên một tâm lý co cụm, cần giữ an toàn để giữ “ghế” của một bộ phận cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, làm cho công tác quản lý điều hành ở một số nơi trở nên trì trệ.

Có vị lãnh đạo doanh nghiệp từng chia sẻ, nếu gặp sự cố, chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ bị mất vốn, thiệt hại kinh tế, nhưng với lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, ngoài kinh tế còn là sinh mạng chính trị. Rủi ro với họ là rất lớn. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho không ít lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, cũng như các lãnh đạo phụ trách, lãnh đạo địa phương trở nên dè dặt hơn trong quyết định những vấn đề thuộc quyền quản lý. Căn bệnh sợ trách nhiệm đã thực sự trở thành rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta cần phải kịp thời xóa bỏ.

Với Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền thì điều đáng lo ngại là tinh thần kiến tạo, đổi mới trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền thiếu tính tiến công, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, những việc có lợi thì làm, những việc không có lợi cho cá nhân, không an toàn thì né tránh, đùn đẩy, những cái mới thì ngại ngùng, ngại tiếp cận triển khai... Thực trạng này đang là lực cản lớn cho sự phát triển ở nước ta hiện nay, cần nghiêm túc để nhìn nhận và có giải pháp để khắc phục, tạo sự đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở. Để chặn đứng được tình trạng này, ông Hiền cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách để khuyến khích những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Câu hỏi đặt ra là, liều thuốc nào để trị bệnh “sợ trách nhiệm”?

Những vụ án, vụ việc xử lý trách nhiệm của hàng loạt cán bộ sai phạm thời gian qua dù là đau đớn nhưng cần thiết để lập lại kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ, trong bộ máy hành chính nhà nước, trong các tập đoàn kinh tế và hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, không vì thế mà cán bộ, công chức, viên chức phải thu mình trong lớp vỏ an toàn mà cần coi đó là bài học xương máu để không giẫm vào “vết xe đổ”. Phải luôn nêu cao tính chủ động, sáng tạo trong công việc, dám làm, giám chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, để làm được điều này, việc đầu tiên phải rõ trách nhiệm cá nhân. Cùng với đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ hiện tượng trách nhiệm hình thức để “làm màu” nhưng khi có hậu quả xảy ra tìm cách đùn đẩy cho cấp dưới. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm của cá nhân, tập thể, xử lý kỷ luật đúng người, đúng tội, không bao che, dung túng cho sai phạm. Cùng với kỷ luật cá nhân vi phạm thì phải tiến hành khen thưởng, động viên, khích lệ một cách xứng đáng đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có ý thức trách nhiệm cao dám làm, dám chịu, mang lại hiệu quả tích cực cho lợi ích chung, cộng đồng.

Đừng sợ sai mà “án binh bất động”. Nếu ai sợ trách nhiệm thì từ chức, đứng sang một bên để người xứng đáng làm. Nếu làm việc trì trệ, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải kiểm điểm, kỷ luật. Chỉ khi chế tài trách nhiệm rõ đối với từng chủ thể thì mới xóa bỏ tâm lý sợ trách nhiệm. Bởi nói như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, “sợ, không làm thì bộ máy trì trệ, đất nước làm sao mà phát triển?

Nguồn: (http://daibieunhandan.vn/)