Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Một số kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử: Nói đúng vấn đề cử tri cần nghe

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Một số kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử: Nói đúng vấn đề cử tri cần nghe

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đại biểu HĐND cần có kỹ năng trong hoạt động. Theo đó, khi thảo luận, nên chọn vấn đề mình am hiểu, thuộc lĩnh vực chuyên môn hiểu sâu, vấn đề thời sự, quan trọng đang "nóng" còn ý kiến khác nhau; khi chất vấn, phải có đủ thông tin, căn cứ (có thể có số liệu, hình ảnh) chứng minh nội dung chất vấn là đúng; khi TXCT, đại biểu cần nói trúng, nói đúng vấn đề cử tri cần nghe, xác định thông tin nào cử tri cần biết, nên biết…

Phải có đủ thông tin, căn cứ để chất vấn

Kỳ họp là hình thức hoạt động chủ yếu của HĐND, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Để kỳ họp thành công, đại biểu phải dành thời gian nghiên cứu nội dung, đọc tài liệu, ghi chép, quan tâm đến lĩnh vực mình phụ trách, có chuyên môn. Tập trung nghe đầy đủ, có chọn lọc, kết hợp gạch chân, đánh dấu văn bản và ghi chép những nội dung quan trọng. Trong kỳ họp có nhiều nội dung, đại biểu nên chọn vấn đề mình am hiểu, thuộc lĩnh vực chuyên môn hiểu sâu, vấn đề đông đảo cử tri quan tâm có tác động đến kinh tế - xã hội, vấn đề thời sự, quan trọng đang "nóng" còn ý kiến khác nhau để thảo luận.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bạc Liêu Khóa IX

Ảnh: L.Hoàng

Cần lưu ý kỹ năng nói, phát biểu: Nói thẳng vào vấn đề, đủ ý, thông tin không lặp lại; biết dẫn dắt, có luận cứ chứng minh làm sáng tỏ vấn đề; thái độ nhẹ nhàng, điềm tĩnh, giữ phong thái tự nhiên, tự tin, thoải mái; không nói những gì mình không nắm vững hoặc phỏng đoán. Kỹ năng phân tích vấn đề: Cần xem xét vấn đề đó toàn diện, cả những mặt thuận lợi, khó khăn, trên cơ sở đó đánh giá khách quan, không nên chỉ có khen, không có chê hoặc ngược lại, hoặc nói theo ý kiến người khác. Những ý kiến, kiến nghị của đại biểu đưa ra tại kỳ họp phải chính xác, kịp thời.

Chất vấn tại kỳ họp HĐND là hoạt động giám sát có hiệu quả của đại biểu dân cử, là quyền của đại biểu được pháp luật quy định. Một khi quyền đó được phát huy tốt thì những vấn đề bức xúc, những ý kiến của cử tri sẽ được làm rõ, được giải quyết thỏa đáng và kịp thời. Tính xây dựng trong chất vấn và trả lời chất vấn được đề cao, không "bới lông tìm vết". Cần lưu ý: Nội dung chất vấn phải đúng và chính xác, thông tin phải được kiểm chứng, phải được người có trách nhiệm báo cáo. Ý kiến của cử tri, thông tin trên báo chí, thông tin trong báo cáo... phải được tìm hiểu kỹ trước khi chất vấn. Người chất vấn phải có đủ thông tin, căn cứ (có thể có số liệu, hình ảnh) chứng minh nội dung chất vấn là đúng. Kết quả là người bị chất vấn chấp nhận vấn đề đó, xin tiếp thu và hứa có hướng giải quyết trong thời gian tới.

Nói trúng, đúng vấn đề cử tri cần nghe

TXCT là hình thức chủ yếu để giữ mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri; vừa là trách nhiệm vừa là phương thức hoạt động của đại biểu, để thực hiện chức năng đại diện cho cử tri và Nhân dân địa phương thực hiện quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Để đạt hiệu quả, đại biểu trước hết phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm pháp lý và có trách nhiệm chính trị cao; đồng thời, cần rèn luyện một số kỹ năng nhất định.

Trước hết là chuẩn bị nội dung báo cáo với cử tri, xác định những thông tin cần thiết cho cuộc tiếp xúc. Tùy vào đối tượng cử tri và địa bàn tiếp xúc mà đại biểu lựa chọn nội dung cho phù hợp. Kết hợp thông tin những vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn để làm sâu sắc hơn những nội dung báo cáo. Đại biểu nói trúng, nói đúng vấn đề cử tri cần nghe, tránh nói tràn lan, chung chung và kéo dài thời gian.

Kỹ năng trình bày của đại biểu (kỹ năng diễn đạt): Trình bày nội dung tại hội nghị TXCT thực chất là việc báo cáo, thuyết trình những vấn đề cần thiết để chuyển tải thông tin đến cử tri. Việc trình bày ở đây hoàn toàn chủ động với những nội dung đã chuẩn bị trước. Căn cứ đối tượng cử tri, phương pháp trình bày khác nhau, nhưng phải bảo đảm yêu cầu: Ngắn gọn, đầy đủ, chính xác, dễ hiểu. Người trình bày có thái độ thân thiện, cử chỉ lịch sự, ngôn ngữ phù hợp. Xác định thông tin nào cử tri cần biết, thông tin nào cử tri nên biết, những thông tin mở rộng làm phong phú thêm nội dung trình bày. Cần tập trung vào các nội dung trọng tâm, phân tích sâu một số nội dung quan trọng, thiết thực đến đối tượng cử tri ở từng địa bàn, những nội dung khác (phụ) lướt nhanh. Phân tích có dẫn chứng minh họa làm phong phú thông tin, thu hút người nghe. Hạn chế việc đọc tài liệu, lý luận nhiều mà thiếu thông tin, số liệu cụ thể.

TXCT sau kỳ họp, đại biểu phải nghiên cứu, hiểu sâu nội dung các nghị quyết mà kỳ họp vừa thông qua để truyền đạt đúng, phân tích sự cần thiết phải ban hành, triển khai thực hiện như thế nào để có hiệu quả cao nhất. Tránh chỉ đọc tiêu đề của nghị quyết mà bỏ qua nội dung.

Đại biểu ghi chép đầy đủ ý kiến cử tri đã phát biểu, tổng hợp, phân loại (nhóm) ý kiến. Ý kiến nào thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, cấp huyện thì yêu cầu đại diện lãnh đạo địa phương trả lời, giải thích cho cử tri; ý kiến thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp Trung ương thì tiếp thu và trả lời sau. Đại biểu có thể trả lời những vấn đề mình nắm chắc; những vấn đề chưa nắm chắc thì khái quát lại và xin tiếp thu để trả lời sau khi cơ quan hữu quan giải quyết. Chỉ nói những điều mình biết rõ (chưa rõ, chưa biết thì không nói).

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)