Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Nguyên tắc áp dụng pháp luật: Thực hiện nghiêm, tránh mâu thuẫn, chồng chéo

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Nguyên tắc áp dụng pháp luật: Thực hiện nghiêm, tránh mâu thuẫn, chồng chéo

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị sửa đổi Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 theo hướng: văn bản ban hành sau phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định của văn bản ban hành trước hoặc quy định việc áp dụng văn bản ban hành trước về vấn đề đó. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định này không mới, đã được xử lý tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nếu thực hiện tốt yêu cầu này từ khâu tổng kết, đánh giá, soạn thảo sẽ không có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật như thời gian vừa qua.

Tiềm ẩn khả năng áp dụng không thống nhất

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, trong thực tế đã có trường hợp 2 luật cùng quy định về một vấn đề, trong đó có một văn bản quy định chung nhất, một văn bản quy định mang tính chuyên sâu quy định trong một lĩnh vực quản lý cụ thể. Thông thường văn bản quy định chuyên sâu phù hợp với điều kiện quản lý đặc thù của từng ngành, lĩnh vực hơn văn bản quy định chung. Nếu văn bản chuyên ngành ban hành sau văn bản quy định chung, việc lựa chọn văn bản chuyên ngành áp dụng sẽ không trái luật, nhưng nếu văn bản chuyên ngành ban hành trước văn bản chung, lựa chọn văn bản nào để áp dụng là một khó khăn, tiềm ẩn khả năng áp dụng pháp luật không thống nhất.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị      Ảnh: Phương Thủy

Để xử lý vấn đề này, Chính phủ đề nghị sửa đổi Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 theo hướng văn bản ban hành sau phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định của văn bản ban hành trước hoặc quy định việc áp dụng văn bản ban hành trước về vấn đề đó. Tuy nhiên, qua rà soát, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, nội dung Chính phủ dự kiến sửa đổi là không mới và đã được điều chỉnh tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy định pháp luật hiện hành.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vướng giữa luật chung - luật riêng như vừa qua cũng được Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉ rõ là do các cơ quan soạn thảo chưa thực hiện nghiêm túc việc rà soát và sửa đổi, bổ sung hoặc chỉ rõ những điều, khoản cần sửa đổi, bổ sung tại các văn bản có liên quan theo quy định tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Nếu thực hiện đúng quy định này từ khâu tổng kết, đánh giá, soạn thảo thì sẽ không thể dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật. Việc xử lý những vướng mắc, bất cập trong thực tế chỉ là giải pháp tình thế, không nên đặt vấn đề sửa đổi quy trình chung. Bởi lẽ, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, nếu sửa theo đề xuất của Chính phủ sẽ tạo “cơ hội” cho các cơ quan tiếp tục vi phạm, không thực hiện hết trách nhiệm của mình.

Chủ yếu do thực thi

Một ví dụ thực tế được Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ chỉ ra là, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ năm 2017 chỉ cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào hoặc ra khỏi nước ta để bảo vệ khách quốc tế là đối tượng được cảnh vệ đến thăm và làm việc tại Việt Nam; luyện tập, thi đấu thể thao; triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm; làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; và theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Tuy nhiên, Điều 44 của Luật Quản lý ngoại thương lại quy định, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép quá cảnh hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Sự “vênh nhau” giữa hai luật chuyên ngành nêu trên đã được Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh phát hiện trước thời điểm ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu. Thậm chí, Ủy ban còn tổ chức một cuộc họp giữa các cơ quan có liên quan để xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, quy định liên quan tại Luật Quản lý ngoại thương không được sửa đổi dẫn đến những vướng mắc khi áp dụng quy định pháp luật trong thực tế.

Ông Nguyễn Mai Bộ cho rằng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định nguyên tắc áp dụng đáp ứng yêu cầu của các tình huống xảy ra trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật hiện nay. Các hiện tượng nêu trên xảy ra chủ yếu do yếu tố con người, trong quá trình thực thi nên cần nghiêm túc thực hiện nguyên tắc được quy định tại Điều 12 và Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Ông cũng nhấn mạnh, nếu sửa đổi như phương án được Chính phủ đề xuất, khi làm luật có yếu tố lợi ích nhóm chi phối sẽ dễ dẫn đến phá vỡ hệ thống văn bản pháp luật đã được ban hành trước đó.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trong thực tế cực kỳ khó xác định tiêu chí để phân định luật chung và luật chuyên ngành. Bởi có luật lúc này là luật chung, song trong mối quan hệ với luật khác có thể lại là luật chuyên ngành. Ví dụ, Luật Đầu tư có thể coi là luật chung khi nhìn ở góc độ đầu tư trong mối quan hệ với Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản… Nhưng nếu nhìn từ góc độ của Luật Bảo vệ môi trường thì Luật Đầu tư lại là luật chuyên ngành. Chỉ ra ví dụ này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng gợi mở, trong trường hợp cần áp dụng riêng thì phải làm thật kỹ, chẻ nhỏ các trường hợp để khoanh áp dụng trong những trường hợp này ở dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Nhiều ví dụ trong thực tế về việc hai luật quy định về cùng một vấn đề, thậm chí luật chuyên ngành quy định khác với bộ luật chung đã được Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội đưa ra tại Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức vừa qua. Do vậy, các đại biểu tham dự Hội nghị tán thành với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật: Thực hiện nghiêm túc việc rà soát và sửa đổi, bổ sung hoặc chỉ rõ những điều, khoản cần sửa đổi, bổ sung tại các văn bản có liên quan theo quy định tại Điều 1, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Nguồn: (http://daibieunhandan.vn)