Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Phát huy vai trò đồng hành của cử tri và Nhân dân

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Phát huy vai trò đồng hành của cử tri và Nhân dân

Luật Đầu tư công đã được Quốc hội Khóa XV sửa đổi tại kỳ họp bất thường đầu tiên. Cùng với điều chỉnh các quy định còn bất hợp lý của các văn bản pháp luật, để phát huy vai trò chủ động của HĐND trong bảo vệ môi trường sống thì điều quyết định và quan trọng nhất suy cho cùng đó là phải biết dựa vào sức mạnh của Nhân dân, để cử tri và Nhân dân đồng hành với cơ quan dân cử trong giám sát.

Phát huy vai trò đồng hành của cử tri và Nhân dân trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử

Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra

Để phát huy vai trò chủ động của HĐND trong bảo vệ môi trường, một vấn đề đặt ra là phải biết dựa vào cử tri và Nhân dân trong giám sát đầu tư công cũng như khảo sát để quyết định chủ trương đầu tư. Phát huy vai trò của người dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong việc quyết định chủ trương đầu tư cũng như giám sát hoạt động đầu tư công trên địa bàn.

Theo đó, HĐND cần yêu cầu UBND thực hiện nghiêm túc việc công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đất đai, đầu tư công cho người dân biết. Thực hiện thực chất khâu lấy ý kiến Nhân dân về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án cần phải đánh giá. Thực tiễn việc này đang còn hình thức, thậm chí có những dự án có hồ sơ song thực tế không làm. Do đó, mới xảy ra các sai phạm về môi trường. HĐND khi cho ý kiến hoặc quyết định chủ trương đầu tư cần yêu cầu UBND thực hiện nghiêm túc việc này, nếu chưa có thì cần phải kiến nghị thực hiện trước khi quyết định. Tiếp thu, tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân khi người dân bàn đến dự án; đối với những hạng mục còn nhiều khúc mắc, cần tổ chức đối thoại với Nhân dân.

Để người dân có căn cứ kiểm tra, giám sát, ngoài công khai minh bạch các hạng mục, dự án, công trình thì cần quy định rõ cơ chế giám sát. Công khai cách thức giám sát của Nhân dân thông qua cơ quan dân cử; qua MTTQ và các Đoàn thể; qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Thanh tra nhân dân và giám sát trực tiếp, gửi kiến nghị, đơn thư phản ánh; giám sát qua báo chí…. Vấn đề cốt lõi ở đây là qua giám sát, việc tiếp thu giải quyết của cơ quan chức năng để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường như thế nào? HĐND cần phát huy vai trò của người dân trong việc đồng hành, phản ánh ánh kiến nghị qua đại biểu dân cử thì mới nâng cao được vai trò của mình trong bảo vệ môi trường sống. Nhất là người đứng đầu cơ quan dân cử, đại biểu chuyên trách, ngoài nghe trên xuống, dưới lên, nghe bằng hai tai thì phải thẩm thấu, cảm nhận bằng cái tâm “cách mạng của mình”. Phải đeo bám, quyết liệt đến cùng vấn đề.

Tháo gỡ bài toán về nhân lực, phương tiện

Để cơ quan dân cử chủ động hơn trong quyết định chủ trương đầu tư nói chung và bảo vệ môi trường trong quyết định chủ trương đầu tư nói riêng, việc đầu tiên HĐND, bản thân đại biểu dân cử phải hiểu sâu sắc và bám sát quy định Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành thực hiện tốt chức năng Luật định trên lĩnh vực đầu tư công. Cụ thể, HĐND cần đưa vào chương trình kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ, kế hoạch đầu tư công hàng năm; giám sát việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, việc quản lý dự án, chấp hành kết luận kiểm toán, thanh tra trên lĩnh vực đầu tư công. Thực hiện thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các công trình, dự án theo quy định của Luật, trừ trường hợp ủy quyền cho UBND.

Một trong những nội dung then chốt của công tác bảo vệ môi trường là kiên trì, thường xuyên, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên ngành, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, nhất là của cấp ủy Đảng, người đứng đầu. Trong đó, vai trò giám sát của cơ quan dân cử đối với các dự án đầu tư công cần được phát huy và duy trì thường xuyên. Cần có quy định cụ thể về cơ chế thuê chuyên gia trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Đây là giải pháp hay, góp phần tháo gỡ bất cập trong cơ cấu của HĐND hiện nay, để cơ quan dân cử hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.

Một trong những vấn đề nan giải đối với công tác bảo vệ môi trường mà nhiều địa phương ở cấp huyện, xã đang gặp phải đó chính là thiếu nhân lực và phương tiện. Do đó qua giám sát, cơ quan dân cử cần kiến nghị cho được giải pháp bổ sung biên chế có chuyên môn về môi trường cho cấp huyện và một số cho cấp xã, nhất là khối cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về môi trường. Bên cạnh đó, cần tính đến việc xã hội hóa vấn đề quan trắc tài nguyên và môi trường hoặc hỗ trợ phương tiện quan trắc môi trường cho phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện. Đây không chỉ góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường mà cũng là điều kiện cần thiết để phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện tốt hơn chức năng đánh giá tác động môi trường đối với các công trình, dự án thuộc thẩm quyền được quyết định, trước khi trình ra HĐND.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)