Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Giảm giải trình, tăng tranh luận

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Giảm giải trình, tăng tranh luận

Để hoạt động chất vấn chất lượng và hiệu quả cần giảm báo cáo giải trình, tăng tranh luận. Theo đó, đòi hỏi đại biểu phải có bản lĩnh, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm. Cùng với những thông tin được cung cấp, cần nghiên cứu kỹ các văn bản, thông tin liên quan, cần thiết có thể trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề dự định chất vấn. Trên cơ sở thông tin, bằng chứng thu thập được, khi chất vấn cần tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề và tìm ra được những giải pháp khả thi.

Biến nguyện vọng của Nhân dân thành nội dung chất vấn

Là chủ thể có quyền chất vấn, yêu cầu đặt ra là đại biểu phải biết lựa chọn vấn đề và thể hiện chính kiến khi đưa ra chất vấn, đó là những vấn đề nổi cộm, bức xúc, được đông đảo cử tri và Nhân dân địa phương quan tâm. Nội dung câu hỏi đại biểu đưa ra phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu thực tế. Cần ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm, có căn cứ xác đáng, địa chỉ cụ thể. Có thể là những vấn đề chung liên quan đến nhiều lĩnh vực và thể hiện rõ trách nhiệm liên quan của nhiều cấp, nhiều ngành; có thể chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm của một ngành cụ thể.

Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn tại một kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ảnh: Quốc Chiến

Kinh nghiệm cho thấy, đại biểu nên lựa chọn những nội dung chất vấn bản thân hiểu sâu; lựa chọn những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân được đông đảo cử tri địa phương quan tâm; những vấn đề thời sự ở địa phương chưa được xem xét giải quyết, nhất là những vấn đề có tác động nhiều, phạm vi rộng trong đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương, hoặc những vấn đề đang có nhiều ý kiến, nhiều phương án xử lý khác nhau…

Trên thực tế, có nhiều diễn đàn tập huấn cách đặt câu hỏi chất vấn sao cho hay, cho trúng nhưng cũng có nhiều đại biểu lúng túng trong cách áp dụng, nhất là ở thời điểm đầu nhiệm kỳ. Câu hỏi đặt ra trong phiên chất vấn có tính thời sự cao, đòi hỏi đại biểu HĐND phải có kỹ năng nghe, quan sát, tổng hợp, chọn lọc ý kiến. Cần nắm sát tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, hiểu rõ những vấn đề bức xúc của người dân, có kiến thức hiểu biết về pháp luật hoặc những vấn đề mình quan tâm muốn trao đổi. Theo kinh nghiệm của một đại biểu được cử tri hết mực gắn gó, cách để có câu hỏi chất vấn hay và trúng không gì hơn là đi hỏi cử tri và Nhân dân, hỏi thực tiễn. Từ đó, biến tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân thành nội dung mình muốn hỏi và xác định rõ mong muốn mà mình đạt được khi nghe cơ quan chức năng trả lời.

Tranh luận đến cùng

Chất vấn là quyền và trách nhiệm của đại biểu, là sự đối thoại mang tính quyền lực của đại biểu HĐND với cơ quan quản lý nhà nước, lắng nghe trả lời của người có trách nhiệm để có thể phản biện lại hoặc yêu cầu làm rõ nội dung của câu hỏi. Để làm được điều này, thông tin phục vụ chất vấn phải đủ lớn, đủ tầm, phải nhiều hơn những gì sẽ hỏi và phát biểu để bảo đảm sự tự tin của chính đại biểu khi trình bày ý kiến tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND chính là những chủ thể quan trọng tại nghị trường, quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động chất vấn. Do vậy, hoạt động chất vấn cần giảm báo cáo giải trình, tăng tranh luận. Để thực hiện tốt phương châm đó đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước những yêu cầu đổi mới của đất nước, của địa phương, trước những quan tâm, bức xúc của cử tri để chuyển tải vào nội dung chất vấn. Cùng với những thông tin được cung cấp, đại biểu cần nghiên cứu kỹ các văn bản, thông tin liên quan đến nội dung dự định chất vấn. Trường hợp cần thiết, đại biểu có thể trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề dự định chất vấn. Bởi, muốn tiếp tục truy vấn, đại biểu phải có sự chuẩn bị kỹ tư liệu, nội dung về vấn đề mà mình chất vấn cả về cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn, để khi nêu ra đó là những bằng chứng thuyết phục giúp người trả lời chất vấn thấy được trách nhiệm của mình đối với vấn đề mà đại biểu chất vấn.

Trên cơ sở thông tin thu thập được, khi chất vấn đòi hỏi đại biểu phải có bản lĩnh, không nể nang, e ngại, cần tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề và tìm ra được những giải pháp khả thi. Đại biểu chú ý lắng nghe câu trả lời, nhanh chóng phân tích, đánh giá câu trả lời có đáp ứng yêu cầu câu hỏi của mình không, nếu chưa rõ cần tiếp tục đặt câu hỏi bổ sung để làm rõ nội dung chất vấn. Khi tranh luận, chú ý lắng nghe, nắm chắc nội dung đại biểu khác nói để tranh luận đúng nội dung, tránh lan man. Thường ý kiến tranh luận nảy sinh khi nghe đại biểu khác phát biểu, do vậy khi đăng ký tranh luận đại biểu cần bảo đảm mình nắm chắc vấn đề, có chứng cứ và lập luận chắc chắn, không quy chụp trách nhiệm, không vội vàng kết luận người khác sai và chất vấn đại biểu khác.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)