Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Đại biểu Quốc hội: Cần sớm làm rõ trách nhiệm trong vụ sửa điểm ở cấp 2 Ngư Lộc

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Đại biểu Quốc hội: Cần sớm làm rõ trách nhiệm trong vụ sửa điểm ở cấp 2 Ngư Lộc

Nếu không làm rõ động cơ, mục đích, ai đúng ai sai trong việc sửa điểm, hình ảnh giáo dục sẽ bị ảnh hưởng không chỉ của một trường Ngư Lộc

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, tại trường Trung học cơ sở Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) xảy ra việc có đến 40 giáo viên sửa điểm kiểm tra thường xuyên, điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ của học sinh trong trường. Sự việc đang thu hút sự chú ý của dư luận và chờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc gửi Sở Giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, sự việc nâng điểm ở trường Trung học cơ sở Ngư Lộc vẫn chưa thể xử lý vì còn chờ ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc.

Ngày 22/7, phóng viên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Nguyễn Minh Hoàng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc để tìm hiều về sự việc. Qua điện thoại, ông Nguyễn Minh Hoàng thông tin ngắn gọn: “Anh em ở huyện đang làm rồi nhé”.

40 giáo viên ở trường Trung học cơ sở Ngư Lộc sửa điểm của học sinh. Ảnh: LC

Chuyện giáo viên tại Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) sửa điểm đánh giá học sinh năm học 2020 – 2021 đang thu hút sự quan tâm của độc giả cả nước.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc sửa điểm ở trường Trung học cơ sở Ngư Lộc, bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng:

“Một trường Trung học cơ sở thôi mà có đến 40 giáo viên sửa điểm của học sinh ở đây rõ ràng là điều bất thường. Tôi đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc, Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc phải làm rõ xem những năm trước có hiện tượng sửa điểm như thế này không. Việc sửa điểm này có động cơ, mục đích gì.

Tôi cũng đã đọc thấy có đồng chí Chánh thanh tra bảo đó là quyền của giáo viên.

Cho dù là có quyền đi chăng nữa nhưng việc sửa phải đúng quy định của ngành, có thể là quyền đi chăng nữa nhưng một trường mà có đến 40 giáo viên sửa điểm thì ở đây là trình độ giáo viên hay là vấn đề gì? Cái này phải làm rõ.

Một lần một người lỡ, 2 người lỡ chứ chả nhé cả 40 người cũng lỡ? Mức độ chính xác điểm của học sinh trường này như thế nào? Việc này phải làm rõ ra chứ không thể nói ào ào rồi thôi.

Ở đây có đến 40 giáo viên sửa điểm, 27 giáo viên phải làm giải trình thì rõ ràng có sự bất thường. Việc này cơ quan chức năng huyện Hậu Lộc phải vào cuộc, làm rõ. Tại sao có việc bất thường này? Ai phải chịu trách nhiệm cho việc này?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng 40 giáo viên ở trường Trung học cơ sở Ngư Lộc là bất thường và cơ quan chức năng phải làm rõ. Ảnh: quochoi.vn.

Mục tiêu của sự bất thường này nó gắn với mục tiêu gì? Đề nghị các cơ quan chức năng của Hậu Lộc phải làm rõ. Không làm rõ thì trường phải chịu trách nhiệm”.

Nói về vấn đề sự việc đã diễn ra được một khoảng thời gian dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, bà An nêu quan điểm:

“Ở đây cần sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo cần thiết phải mời hiệu trưởng lên, yêu cầu giải trình tại sao có chỉ đạo vậy mà không làm. Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa phải quyết liệt vào cuộc ngay.

Các cơ quan ban ngành phải vào cuộc ngay với tinh thần trách nhiệm. Ở đây không chỉ là tin thần trách nhiệm với học sinh mà còn là tinh thần trách nhiệm với ngành giáo dục. Giáo dục là phải trung thực.

Không để chuyện vô kỷ luật, kỷ cương khi cấp trên yêu cầu mà cấp dưới không làm, tôi gọi anh lên mà anh không lên là không được. Việc này phải làm quyết liệt vì đây là trách nhiệm với không chỉ học sinh, phụ huynh học sinh, hình ảnh ngành giáo dục của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa mà còn cả với toàn ngành giáo dục”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng phải làm dứt điểm để tránh bệnh ngụy thành tích trong giáo dục. Ảnh: Quốc hội

Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: “Trước hết chúng ta phải nhắc lại là căn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục đã nói nhiều, nói nhiều và rất nhiều rồi.

Nhưng theo tôi biết và cũng có tìm hiểu thì một số hiệu trưởng và giáo viên họ vẫn còn chạy theo bệnh thành tích.

Bởi vì trường trường thi đua, lớp lớp thi đua, giáo viên không thể để lại học sinh ở lại lớp được… bởi thế sẽ mất điểm thi đua.

Bệnh ngụy thành tích trong giáo dục vẫn còn, cho nên dẫn đến việc giáo viên nâng điểm, sửa điểm cho học sinh để nâng cao thành tích của nhà trường, để được khen thưởng.

Tôi cho rằng đây là một căn bệnh mà tới nay, dù nhiều người nói, ai cũng nói nhưng là căn bệnh rất khó chống lại.

Muốn sửa được tôi cho rằng ngành Giáo dục cần phải nghiên cứu cơ chế giám sát, kiểm tra đánh giá thật chính xác, quyết liệt để những căn bệnh ngụy thành tích như vậy không thể xảy ra nữa.

Lúc đó thì vấn đề nâng điểm, sửa điểm hoặc ngồi nhầm lớp, không thể lưu ban…mới có thể giải quyết dứt điểm được.

Để hiện tượng sửa điểm nhiều như vậy tôi cho rằng ở đây có hiện tượng Hiệu trưởng “mắt nhắm, mắt mở” để giáo viên làm bậy. Việc này cần các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ”, Đại biểu Hòa cho biết.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc số lượng giáo viên phải giải trình việc sửa điểm là 27 giáo viên.

Số liệu báo cáo của Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc cho thấy có đến 40 giáo viên chỉnh sửa điểm, trong đó có 14 giáo viên chỉnh sửa các điểm kiểm tra thường xuyên, 26 giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra giữa kỳ và điểm kiểm tra cuối kỳ.

Cũng theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc cho thấy sự việc tại trường Trung học cơ sở Ngư Lộc vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là nhà trường chưa tổ chức hội nghị kiểm điểm của nhà trường để làm rõ ai đúng, ai sai.

Trong khi đó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc cho biết cơ quan này đang xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc bởi Phòng đã gửi văn bản chỉ đạo số 16/TB- PGDĐT yêu cầu nhà trường rà soát số giáo viên sửa điểm sai quy định, đề nghị hình thức xử lý theo quy định, đưa vào đánh giá, xếp loại cán bộ giáo viên năm học 2020 – 2021 nhưng nhà trường chưa thực hiện.

(Nguồn: Giáo dục Việt Nam)