Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Thẩm quyền của HĐND trong Đầu tư công: Chưa bám sát quy định để thực thi

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Thẩm quyền của HĐND trong Đầu tư công: Chưa bám sát quy định để thực thi

Trong việc trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương, chủ yếu cấp tỉnh thực thi theo quy trình còn ở cấp huyện, xã, nhiều địa phương HĐND chưa phát huy vai trò trong quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của cấp mình. Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, có nơi xác định chưa rõ và thực hiện chưa đúng.

Tăng thẩm quyền quyết định các nhóm dự án

Luật Đầu tư công năm 2019 gồm 6 chương và 101 điều với nhiều điểm mới quan trọng. Bên cạnh thay đổi cách xác định vốn đầu tư công bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật, Luật cũng có những điểm mới tăng thẩm quyền của HĐND trong quyết định các nhóm dự án. Như: Đẩy mạnh phân cấp cho HĐND cấp tỉnh được quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. So với Luật Đầu tư công năm 2014, HĐND các cấp chỉ được quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C thuộc cấp mình quản lý, còn các Dự án nhóm A phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát Dự án nhóm B, nhóm C thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh. Ảnh: Bình Nguyên

Đối với thẩm quyền của HĐND nói chung, Luật xác định HĐND có trách nhiệm Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều 17 của Luật Đầu tư công. Xem xét, cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu. Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm toàn bộ danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương. Giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao cho địa phương quản lý, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư do địa phương quản lý.

Xác định chưa rõ, thực hiện chưa đúng

Trước hết là trong việc trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương, chủ yếu cấp tỉnh thực thi theo quy trình còn ở cấp huyện, cấp xã, nhiều địa phương HĐND chưa phát huy vai trò trong quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của cấp mình. Thậm chí có nơi, UBND cấp huyện khi lập kế hoạch theo yêu cầu của cấp trên, bỏ qua khâu báo cáo HĐND cùng cấp cho ý kiến mà gửi luôn cho UBND cấp tỉnh. Đây là một thực tế xảy ra ở nhiều địa phương. Vai trò của HĐND mờ nhạt, thậm chí không thấy bóng dáng, nhiều đơn vị cả 1 nhiệm kỳ chưa hề có văn bản hay nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương.

Nguyên nhân của tình trạng này, bên cạnh chưa bám sát quy định để thực thi, có một thực tế là nguồn ngân sách bố trí cho đầu tư công ở các địa phương cấp huyện, cấp xã còn hạn hẹp, bị động. Thậm chí, nhiều nơi phụ thuộc và ỷ lại vào cơ chế xin cho nguồn cấp trên nên việc xác định cụ thể để bàn và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm khá lúng túng.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, có nơi xác định chưa rõ và thực hiện chưa đúng. Theo đó, còn có địa phương không trình ra HĐND quyết định mà ủy quyền cho Thường trực HĐND ra văn bản thống nhất chủ trương. Rõ ràng Điều 17, Luật Đầu tư công quy định rất rõ về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do địa phương quản lý là: “UBND trình HĐND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian, tiến độ, dự kiến kế hoạch bố trí vốn, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện”. Xuyên suốt luật cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan không có một quy định nào cho phép Thường trực HĐND quyết định chủ trương đầu tư.

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công đó là quyết định chủ trương đầu tư không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Và nếu có ủy quyền thì theo quy định của Luật Đầu tư công, HĐND chỉ ủy quyền cho UBND quyết định trong trường hợp cần thiết. Sở dĩ có những địa phương thực hiện như vậy do việc quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, UBND chưa trình HĐND cùng cấp nên xét về trình tự thiếu căn cứ pháp lý để bảo đảm cần có văn bản của HĐND...

Một thực tế nữa là nhiều công trình, dự án ở cấp cơ sở không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cụ thể do phụ thuộc vào nguồn xin cấp trên nên trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, các nội dung về Dự kiến tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực thực hiện chương trình, bao gồm danh mục dự án, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn và nguồn lực khác; Dự kiến kế hoạch bố trí vốn còn chung chung, thông thường được xác định là ngân sách cấp huyện, xin ngân sách cấp trên và các nguồn vốn hợp pháp khác, còn cụ thể tỷ lệ bao nhiêu, nguồn vốn hợp pháp khác là nguồn nào thì chưa rõ. Từ đó, dẫn đến hệ lụy là đầu tư dàn trải, nợ xây dựng cơ bản kéo dài năm này qua năm khác…

Luật Đầu tư công năm 2019 đã kịp thời bổ sung, khắc phục những vướng mắc mà Luật Đầu tư công năm 2014 chưa bao quát hết. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh quy định sát, trúng, vai trò của cơ quan dân cử trong đầu tư công rất quan trọng. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập đến thẩm quyền và thực tiễn hoạt động của HĐND, trực tiếp là HĐND cấp huyện trong bảo vệ “đồng tiền bát gạo” của Nhân dân.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn