Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Để nền nông nghiệp không "mù mờ”

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Để nền nông nghiệp không "mù mờ”

Sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường trong khi thị trường mù mờ về sản xuất, cơ quan quản lý cũng mù mờ về chuyện đó. Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải “giải cứu”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh điều này tại hội nghị trực tuyến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây.

Dù không mong muốn nhưng thị trường đã từng chứng kiến không ít lần phải “giải cứu” nông sản với những sản phẩm như: Dưa hấu, thanh long, khoai lang tím… Đây là hậu quả của tình trạng cung vượt cầu đối với sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp khi ấy đã được tiêu thụ bởi sự chung tay của cộng đồng.

Khi cung vượt cầu, nông sản bị ứ đọng, không ai khác, nông dân là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Sự chung tay của cộng đồng để tiêu thụ nông sản đã giúp nông dân bớt đi phần nào khó khăn khi sản phẩm làm ra đã được tiêu thụ. Nhưng ở một góc độ khác, việc kêu gọi cộng đồng chung tay tiêu thụ nông sản trong những lúc dư thừa nguồn cung cho thấy, chúng ta chưa có một bài toán căn cơ cho mỗi sản phẩm nông nghiệp, đó là sự lúng túng trong quản lý chuỗi giá trị, từ đầu vào đến đầu ra của nông sản.

Tình trạng “được mùa mất giá”, thậm chí “mất cả mùa mất cả giá” là một thực tế đã kéo dài nhiều năm. Nhiều giải pháp đưa ra, nhưng cho đến nay tình trạng cung vượt cầu vẫn tái diễn. Tình trạng này ngoài nguyên nhân do tổ chức sản xuất và thị trường còn hạn chế, còn có nguyên nhân từ sự yếu kém của công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông sản. Thời gian qua, một số sản phẩm nông nghiệp như: Vải thiều, thanh long đỏ… đã chiếm lĩnh thị trường quốc tế, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu… Tuy vậy, so với tiềm năng, thế mạnh, những sản phẩm nông sản xuất ngoại của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Sự khiêm tốn này là do chúng ta đang có sự khó khăn trong kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng dẫn tới “giải cứu” nông sản mang tính chu kỳ.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Để ứng phó với đại dịch, chiến lược sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của chúng ta đã và đang có những thay đổi theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số. Minh chứng sinh động cho sự chuyển đổi này chính là sự ra đời của các sàn thương mại điện tử thời gian qua đã giải được bài toán bị ách tắc lâu nay đó là giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Đơn cử, trong vụ vải thiều năm nay, người dân lên sàn thương mại điện tử Postmart của VNPT tăng đột biến. Từ chỉ một vài nghìn người mua bán mỗi ngày trước đây thì nay đã tăng lên hàng trăm nghìn người. Tính riêng từ 1.6 đến nay, đã có 300.000 - 400.000 lượt người mua vải thiều trên sàn của Postmart và Vỏ Sò, mỗi ngày có thể chốt 36.000 - 37.000 đơn, đã có 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm vải thiều. Đây là niềm vui bước đầu của quả vải đã được lên sàn. Với phương thức bán hàng mới này, hứa hẹn sẽ có nhiều nông sản sẽ được lên sàn với kết quả đầu ra nhiều “vị ngọt”.

Không khó để thấy những lợi ích từ việc áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Sàn thương mại điện tử giúp kết nối nông dân với người tiêu dùng, giải quyết cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản. Sàn thương mại điện tử cũng sẽ kết nối nông dân với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho nông dân bảo đảm chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, giúp người bán quảng bá được nhiều nông sản tới người mua với chi phí thấp.  

Trong điều kiện hội nhập cũng như phát triển mạnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đặt ra yêu cầu mới cho nông nghiệp Việt Nam buộc phải thay đổi.

Hình ảnh nông dân “chân lấm tay bùn”, sản xuất với tâm lý chỉ biết “trông trời, trông đất, trông mây” đã đến lúc cần phải thay đổi. Với sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc trang bị những kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nông dân sẽ phải dần thay đổi bởi hình ảnh “người nông dân chuyển đổi số” để tự mình chủ động trong việc tìm hiểu thị trường, tìm hiểu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm bảo đảm chi phí thấp, nhưng hiệu quả cao nhất, chủ động kết nối thị trường. Cùng với đó, dưới sự trợ giúp của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ giúp nông dân thoát cảnh “được mùa mất giá” lâu nay.

Khi kinh tế thế giới đã phát triển mạnh bởi công nghệ số, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam không thể là ngoại lệ. Đã đến lúc ngành nông nghiệp phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số nếu không sẽ lỡ nhịp.

(Nguồn: daibieunhandan.vn)