Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh: Phương án tối ưu cho cả trước mắt và lâu dài

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh: Phương án tối ưu cho cả trước mắt và lâu dài

Thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH Về thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND tỉnh. Đến nay, hầu hết các địa phương thí điểm đã tổng kết việc thực hiện nghị quyết; nội dung báo cáo phản ánh đúng thực tế. Để có Văn phòng tham mưu, phục vụ ổn định lâu dài cần có mô hình khoa học, khách quan nhất; điều đó được tập trung đề nghị của nhiều địa phương đưa ra phương án: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND riêng, Văn phòng UBND riêng. Đây là phương án hợp lý, tối ưu cho cả trước mắt và lâu dài.

Nhiều lần tách, nhập

Trước năm 1990, hầu hết các địa phương chỉ có Văn phòng UBND tham mưu, giúp việc cho UBND, HĐND và Đoàn ĐBQH. Bởi lúc bấy giờ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chưa thật rõ; nhất là chức năng giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND còn hạn hẹp. Mặt khác, chưa có Thường trực HĐND các cấp, cũng chưa có đại biểu dân cử hoạt động chuyên trách ở các cơ quan này. Sau Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện mới có Thường trực HĐND và bắt đầu có đại biểu HĐND chuyên trách. Mặc dù chưa có văn bản chính thức, nhưng do nhu cầu thực tế, các địa phương đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền để thành lập Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH. Những địa phương thành lập Văn phòng riêng công tác rất hiệu quả, giúp cho HĐND và Đoàn ĐBQH hoạt động có hiệu lực thực sự.

Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức tập huấn phần mềm họp không giấy dành cho lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, lãnh đạo  và chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh

Ảnh: Trần Thu

Mãi đến năm 2002, thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội, các địa phương đều có ĐBQH chuyên trách và nói chung trực tiếp làm Phó trưởng Đoàn ĐBQH. Đặc biệt, qua những lần sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND và UBND, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử tăng lên rất nhiều càng cho thấy yêu cầu có Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH rất chính đáng. Từ đó, bắt buộc cơ quan tham mưu, phục vụ bổ sung chức năng, nhiệm vụ và phải tăng thêm số lượng, chất lượng cán bộ, chuyên viên Văn phòng. Trước yêu cầu mới và để nâng cao vị thế của Đoàn ĐBQH tại địa phương, có chủ trương thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH riêng trực thuộc Văn phòng Quốc hội để tập trung giúp việc cho Đoàn ĐBQH. Còn Văn phòng HĐND chỉ tham mưu, phục vụ cho hoạt động của HĐND.

Tuy nhiên chỉ một thời gian không dài, Văn phòng Đoàn ĐBQH cảm thấy đơn lẻ, hoạt động chủ yếu của Đoàn ĐBQH ở địa bàn, nhưng thiếu sự gắn kết với địa phương. Nhất là mối quan hệ của cơ quan dân cử có phần rời rạc, hoạt động giám sát hay TXCT, tiếp công dân có những trùng lặp không cần thiết, những thông tin thu được chưa đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Hơn nữa, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nắm chưa kỹ. Trước yêu cầu đó, có chủ trương sáp nhập Văn phòng HĐND với Văn phòng Đoàn ĐBQH thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Mô hình tối ưu, hợp lý không những giảm đầu mối, giảm cán bộ mà bởi đều phục vụ cơ quan dân cử có chức năng, nhiệm vụ cơ bản tương đồng. Từ đó, công tác tham mưu, giúp việc đắc lực, bài bản hơn bởi có những trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau của cán bộ, chuyên viên ngay trong cơ quan văn phòng. Nhưng có lẽ theo yêu cầu của các Đoàn ĐBQH ở địa phương nên lại có quyết định tách Văn phòng chung để thành lập riêng Văn phòng Đoàn ĐBQH như hiện nay.

Thí điểm đã đủ, nên kết thúc

Lúc này xây dựng dự án Văn phòng chung như cách đây mấy chục năm để tham mưu, phục vụ cho ba cơ quan có vị trí, vai trò rất lớn trong hệ thống chính trị ở địa phương; có chức năng, nhiệm vụ khác nhau không còn phù hợp nữa. Đã hơn 30 năm trôi qua, biết bao nhiêu lần tách, nhập Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH, nhưng Văn phòng UBND hầu như chỉ một lần tách cho đến nay. Điều đó càng khẳng định thực tế chứng minh Văn phòng UBND nên độc lập riêng với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND.

Qua bao nhiêu lần tách, nhập, nhiều lần thí điểm, có những lúc thí điểm gần như trong cả nước về mô hình Văn phòng cơ quan dân cử và cơ quan hành chính ở địa phương. Nếu nghiên cứu, tìm hiểu ở các địa phương, nhất là những người làm việc nhiều năm ở cơ quan dân cử không khỏi chạnh lòng, khi văn phòng cơ quan quyền lực lại “khắc nhập, khắc tách”. Mong muốn lớn nhất của những người tâm huyết, trách nhiệm với hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương có văn phòng tham mưu, giúp việc ổn định lâu dài. Mặc dù tổ chức HĐND hay Đoàn ĐBQH có thay đổi, thì mô hình văn phòng nên ổn định. Văn phòng càng ổn định, càng có điều kiện để bồi dưỡng, đào tạo tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng lớn hơn.

Tổng kết đề án mô hình Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND ở những tỉnh thí điểm khá rõ về ưu điểm và tồn tại, làm cho những cơ quan có thẩm quyền nên suy nghĩ. Không những kiến nghị của những địa phương được thí điểm, mà thực tế qua nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, hay làm việc của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đều cho thấy mô hình Văn phòng chung Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND chưa hợp với luật pháp và thực tế rất nhiều nơi. Để có văn phòng tham mưu, phục vụ ổn định lâu dài cần có mô hình khoa học, khách quan nhất, điều đó được tập trung đề nghị của nhiều địa phương đưa ra phương án: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND riêng và văn phòng UBND riêng.

Đây là phương án hợp lý, tối ưu cho cả trước mắt và lâu dài. Như thế, giảm được một số cán bộ văn phòng, nhưng biết bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học cũng có thể giảm được rất nhiều cán bộ các phòng và chuyên viên trong cơ quan. Mục tiêu sắp xếp tổ chức, bộ máy nhằm nâng cao năng lực tham mưu, giúp việc của văn phòng chứ không chỉ đơn thuần giảm đầu mối, giảm biên chế. Thực tế, để giảm biên chế không những cần một chủ trương sát đúng, quan trọng hơn cần có quy định cụ thể, nhất quán và kiểm soát tốt mọi hoạt động; nhất là những cơ quan có quyền tự bung ra mỗi nơi mỗi khác.

Mô hình văn phòng cơ quan dân cử và cơ quan hành chính ở địa phương bao nhiêu lần thay đổi, thí điểm, đã làm ảnh hưởng đến công tác tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND. Thí điểm rồi, tổng kết rồi, thực tế từ các địa phương đã rõ, đến lúc cần có chủ trương, khoa học, khách quan để có một mô hình văn phòng ổn định lâu dài. Điều đó không những phục vụ đắc lực cho hoạt động của cơ quan dân cử và sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính địa phương, mà còn có ý nghĩa để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/