Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Đánh giá kỹ tác động cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu

Chi tiết bài viết Tin tức

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Đánh giá kỹ tác động cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu

Tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được các cơ quan báo cáo, kiến nghị tiếp thu, chỉnh lý, nhất là sự cần thiết phải bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc về bảo hiểm hưu trí bổ sung; quy định cơ quan phê duyệt quyết toán về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội; quy định liên quan đến việc tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội trên môi trường điện tử.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp thứ 31
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Để hoàn thiện dự án Luật có chất lượng cao nhất, được đa số đồng thuận trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản về những nội dung lớn mà Thường trực Ủy ban Xã hội đã đề nghị.

Cụ thể, (i) Kịp thời bổ sung trong hồ sơ dự án Luật về những nội dung lớn trong dự án Luật có liên quan đến cải cách chính sách tiền lương trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sau khi báo cáo cấp có thẩm quyền; (ii) Tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, hoàn thiện phương án quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn và ổn định xã hội; phương án được lựa chọn phải có lý, có tình để được đông đảo người lao động hiểu, đồng thuận, ủng hộ; (iii) Về điều chỉnh, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bao gồm cả người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; (iv) Việc phê duyệt quyết toán chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội; (v) Tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội trên môi trường điện tử; (vi) Quy định đặc thù bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội; (vii) Chế tài xử lý đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; (viii) Bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc về bảo hiểm hưu trí bổ sung; (ix) Một số nội dung khác trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, đánh giá kỹ tác động của cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau ngày 01/7/2024; những người có mức lương hưu thấp, nhất là nhóm nghỉ hưu trước 1995 để có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp, sát thực tế như nhiều ý kiến cử tri và dư luận xã hội đề cập thời gian qua.

Giao Chính phủ nghiên cứu, rà soát quy định hồi tố về việc tiếp tục áp dụng quy định về mức lương cơ sở để thực hiện một số chính sách bảo hiểm xã hội có liên quan trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) từ thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương (ngày 01/7/2024) đến trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2025).

Nguồn: 3444/TB-TTKQH

Khải Hân